Cách kêu cứu khẩn cấp bằng Zalo khi gặp thiên tai

Tạp chí Nhịp sống số - Trong tình huống khẩn cấp, người dân có thể kêu cứu khẩn cấp bằng Zalo qua mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” để được ứng cứu kịp thời.

Trước những hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như nguy cơ lũ quét, sạt lở đất... những ngày này, người dân cần nắm được cách kêu cứu khẩn cấp bằng Zalo để sớm nhận được sự hỗ trợ, ứng cứu. 

Theo dự báo, có 120 huyện, thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh miền Bắc đối diện với nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Trong tình huống khẩn cấp, người dân có thể sử dụng Zalo mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” để được ứng cứu kịp thời. 

Cách kêu cứu khẩn cấp bằng Zalo khi gặp thiên tai
Mưa lớn khiến nước từ các sông suối dâng cao, tràn vào một số khu dân cư thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu và thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương (Nghệ An)

Cụ thể, thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ 14 giờ ngày 27/9 đến 14 giờ ngày 28/9, tại khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Trước đó, đêm 26, rạng sáng 27/9 hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa to và rất to gây ngập lụt ở nhiều địa phương. Mực nước liên tục dâng cao khiến hàng nghìn nhà dân bị ngập, giao thông tê liệt…

Mới đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp tục phát đi thông tin cảnh báo trong chiều và tối 28/9, tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá.

Ngoài các tỉnh trên, lần cảnh báo này, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia còn “điểm danh” thêm 7 tỉnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, bao gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Nâng tổng số địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá tại 14 tỉnh nói trên là 120 huyện, thị xã, thành phố.

Trước tình hình trên, người dân được khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động công tác phòng, chống. Đồng thời, người dân cũng cần nắm rõ cách liên lạc qua Zalo để kết nối với lực lượng chức năng và được ứng cứu nhanh nhất trong tình huống khẩn cấp.

Cách sử dụng tính năng Kết nối cứu trợ

Cụ thể, người dân truy cập vào Zalo, tìm kiếm từ khóa và chọn mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam”. Lập tức, nhóm tính năng liên hệ khẩn sẽ hiển thị trên giao diện ứng dụng, nổi bật là tính năng “Kết nối cứu trợ” và “Phản ánh thiên tai”.

Trong tình huống thiên tai xảy ra, người dân gặp khó khăn như bị chia cắt do mưa lũ, bị cô lập trong tình trạng thiếu lương thực thực phẩm hoặc đang ở khu vực nguy hiểm cần hỗ trợ từ lực lượng cứu hộ... Người dân thực hiện các bước sau trên mini app:

  • Bước 1: Chọn tính năng “Kết nối cứu trợ”.
  • Bước 2: Nhập các thông tin họ và tên, số điện thoại, vị trí, thông tin hỗ trợ (y tế, thực phẩm, phương tiện), mô tả chi tiết cứu trợ, và hình ảnh địa điểm cũng như tình trạng đính kèm.
  • Bước 3: Chọn nút “Gửi cứu trợ”.

Ngoài những trường hợp cần kết nối cứu trợ cho bản thân, người dùng cũng có thể sử dụng tính năng này để giúp những người xung quanh kêu cứu khẩn cấp bằng Zalo.

Cách kêu cứu khẩn cấp bằng Zalo khi gặp thiên tai

Thông tin cứu trợ của người dân sẽ nhanh chóng được xử lý và chuyển trực tiếp đến các cán bộ phụ trách của khu vực gần nhất. Dựa vào hình ảnh, vị trí của tin báo cứu trợ, các cơ quan chức năng tại địa phương sẽ nhanh chóng nắm thông tin, phân loại cứu trợ và phân bổ lực lượng ứng cứu người dân nhanh chóng.

“Phản ánh thiên tai” nhanh qua Zalo

Trong tình huống người dân nhận biết nguy cơ sạt lở, lũ quét,... qua một số dấu hiệu xung quanh khu vực mình sinh sống như xuất hiện vết nứt trên tường nhà, sườn đồi; cây cối, cột điện bị đổ nghiêng; mực nước sông, hồ thay đổi bất thường… Người dân sử dụng tính năng “Phản ánh thiên tai” để cấp báo đến cơ quan chức năng về tính trạng, nguy cơ tiềm ẩn hoặc tình hình thiên tai tại khu vực. Cụ thể qua các bước dưới dây:

  • Bước 1: Tại giao diện chính mini app, chọn tính năng “Phản ánh thiên tai”.
  • Bước 2: Nhập các thông tin họ và tên, số điện thoại, vị trí, loại hình thiên tai (mưa, bão, lũ, sạt lở, động đất…), mô tả chi tiết và hình ảnh đính kèm.
  • Bước 3: Chọn nút “Gửi phản ánh”.

Với tính năng này, các thông tin phản ánh từ người dân sẽ giúp chính quyền và cơ quan chức năng nhanh chóng có phương án ứng phó hoặc khắc phục hậu quả do thiên tai xảy ra, đảm bảo sự an toàn cho đời sống của người dân.

Được biết, tối ngày 27/9, Zalo đã khỏi động lại tính năng SOS - “Tìm kiếm trợ giúp trong bão lũ” cho hơn 3,9 triệu người dân vùng lũ lụt ở 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, giúp những người cần sự hỗ trợ có thể truy cập nhanh đến mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” và kêu cứu.

Người dân cần chủ động quan tâm theo dõi thường xuyên trang Zalo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai, các trang Zalo địa phương và sử dụng mini app “Phòng chống thiên tai Việt Nam” để liên tục được cập nhật thông tin tình hình thời tiết và kết nối cứu trợ trong trường hợp khẩn.

Có thể bạn quan tâm