Câu hỏi về việc chúng ta sẽ làm gì để kiểm soát những hệ thống AI thông minh được Giáo sư Yoshua Bengio - Nhà sáng lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila - đặt ra tại Hội thảo "AI an toàn - Định hình đổi mới có trách nhiệm" (AI Safety - Shaping Responsible Innovation) diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ của sự kiện, Giáo sư Yoshua Bengio đã có bài chia sẻ về chủ đề "An toàn AI” và phần trao đổi với ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT về "AI có trách nhiệm và tầm quan trọng của AI trong giáo dục".
Các hệ thống AI thông minh sẽ đưa nhân loại về đâu?
Là một trong những nhà nghiên cứu quan tâm đến tác động xã hội và mục tiêu AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, Giáo sư Yoshua Bengio cho rằng điều quan trọng nhất là việc phát triển công nghệ cần phải đi đôi với việc bảo vệ quyền lợi của con người và sự phát triển bền vững của xã hội.
Chia sẻ tại sự kiện, ông nhận định: "AI đang phát triển vượt bậc: hiệu quả sử dụng dữ liệu tăng 30%, hiệu suất thuật toán tăng gấp ba lần, đầu tư vào lĩnh vực này trung bình đạt 100 tỷ USD/năm, và các đánh giá chuẩn mực cho thấy năng lực AI đã vượt qua khả năng của con người, đặc biệt là trong việc làm chủ ngôn ngữ và xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, sự tiến bộ nhanh chóng này đặt ra câu hỏi đáng lo ngại về khả năng kiểm soát những hệ thống AI thông minh hơn con người. Trong bối cảnh đó, một câu hỏi đạo đức lớn được đặt ra: Ai sẽ quyết định mục tiêu của AI? Sự cấp bách của việc hiểu rõ và hành động đúng đắn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là yếu tố sống còn đối với tương lai nhân loại".
Còn nhớ, Elon Musk - một trong những người tiên phong trong phát triển trí tuệ nhân tạo - gần đây đã đưa ra một tuyên bố có phần gây sốc về tương lai của AI: "Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ thông minh hơn bất kỳ người nào vào năm tới và đến năm 2029, AI sẽ thông minh hơn tất cả loài người cộng lại".
Đây cũng là điều được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến và bày tỏ các e ngại về một tương lai không mấy tươi sáng cho nhân loại khi công nghệ này bị lạm dụng.
Chính vì thế, theo Giáo sư Yoshua Bengio, một trong những nguyên tắc quan trọng là AI cần được xây dựng như công cụ phục vụ con người, không phải như những "tác nhân" có khả năng tự đặt ra mục tiêu và hành động để đạt được mục tiêu đó, vì các mục tiêu của AI có thể mâu thuẫn hoặc vượt ngoài ý định ban đầu của con người. Do đó, theo Giáo sư Yoshua Bengio nên tránh thiết kế "bản năng sinh tồn" cho các hệ thống AI. Điều đó có nghĩa là không nên thiết kế các hệ thống AI giống con người, có cảm xúc, ngoại hình và thậm chí cả ý thức, quyền tự quyết, tự chủ vì trí thông minh của chúng có thể nhanh chóng vượt qua con người và có thể trở thành những AI lừa đảo, thúc đẩy những lợi ích, mục tiêu không hoàn toàn vì hạnh phúc của nhân loại.
AI không "cướp việc" của con người
Theo Giáo sư Yoshua Bengio, làn sóng sa thải trong ngành công nghệ không hoàn toàn là do hệ quả của sự phát triển AI, mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố điều chỉnh kinh tế.
"AI thể hiện sự tiến bộ xuất sắc trong nhiều lĩnh vực nhưng chưa hoàn toàn thay thế được con người, đặc biệt ở những công đoạn đòi hỏi tư duy chiến lược, nghiên cứu…", Giáo sư Yoshua Bengio chia sẻ.
Một thống kê năm 2023 về Tương lai của thị trường Lao động của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, đến năm 2025, AI dự kiến sẽ tạo ra 12 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
Một nghiên cứu khác của McKinsey cũng cho thấy, AI có thể đóng góp vào việc tạo ra từ 20 triệu đến 50 triệu việc làm mới trên thế giới vào năm 2030.
Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình, AI cần được coi là một “đồng minh” chứ không phải một mối đe dọa lấy mất việc làm của con người. Việc học hỏi và ứng dụng AI là vô cùng quan trọng để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường lao động; bao gồm những hiểu biết cơ bản về AI, học máy, khoa học dữ liệu, cũng như các kỹ năng giải quyết vấn đề và phân tích để làm việc hiệu quả với các hệ thống AI.