Cùng con xây dựng hệ miễn dịch số trên không gian mạng

Tạp chí Nhịp sống số - Việc xây dựng hệ miễn dịch số - trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi - là vô cùng quan trọng. Nhưng thực hiện như thế nào, làm sao để các bậc phụ huynh và thày cô có thể đồng hành, hướng dẫn các em cho hiệu quả?

Xây dựng hệ miễn dịch số cho trẻ em, đồng hành cùng con em để định hướng những trải nghiệm môi trường trực tuyến hiệu quả, đặc biệt là trong dịp hè khi các em có nhiều thời gian truy cập Internet hơn... Đó là những nội dung được đề cập đến tại Tọa đàm trong khuôn khổ sự kiện “Vui hè trực tuyến an toàn”, diễn ra trong hai ngày 31/5 và 1/6 tại Hà Nội. Sự kiện do Google phối hợp cùng Cung Thiếu Nhi Hà Nội tổ chức nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi. 

Làm sao để tạo dựng hệ miễn dịch số cho trẻ?

          

Theo khảo sát của Google năm 2023, có 64,1% phụ huynh đã tìm cách học hỏi công nghệ để dạy con về chủ đề này. 

          

Trẻ em Việt Nam hiện đang sử dụng mạng xã hội (MXH) đến 5 - 7 giờ mỗi ngày, theo một khảo sát thực hiện năm 2022 của Cục Trẻ Em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Con số này một lần nữa được đặt ra trong bối cảnh mùa hè đến, cũng là lúc các em có nhiều thời gian hơn để lên mạng, chơi game online...  

Trong khuôn khổ sự kiện “Vui hè trực tuyến an toàn”, buổi tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, gia đình nghệ sĩ Lý Hải - Minh Hà và đại diện Google đã đề cập đến vấn đề này. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, muốn xây dựng hệ miễn dịch số cho trẻ, chính các phụ huynh cũng phải nâng cao kỹ năng sử dụng internet và kiến thức về an toàn mạng. Từ đó, họ mới có thể định hướng cho con, cùng con trải nghiệm môi trường trực tuyến một cách bổ ích và hiệu quả. Đáng mừng là, theo một khảo sát của Google năm 2023, có đến 64,1% phụ huynh đã tìm cách học hỏi công nghệ để dạy con về chủ đề này. 

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, công nghệ, gia đình nghệ sĩ Lý Hải - Minh Hà và  đại diện Google

Bên cạnh đó, để đối phó với các thông tin xấu, độc hoặc không phù hợp với độ tuổi, các em cần được trang bị những kỹ năng và kiến thức thiết yếu để tự mình chọn lọc những thông tin lành mạnh, phù hợp. Bên cạnh phần chia sẻ của các chuyên gia tâm lý, giáo dục và công nghệ, Google cũng dành một không gian trải nghiệm cho trẻ em với nhiều trò chơi tương tác hấp dẫn. Qua đó, chia sẻ kiến thức, xây dựng kỹ năng bảo vệ bản thân và ứng xử trên mạng cho trẻ.

Đây cũng là lần đầu tiên các trò chơi giáo dục thuộc dự án “Be Internet Awesome - Em An Toàn Hơn Cùng Google” được triển khai ngoại tuyến, giúp các em học năm quy tắc cốt lõi: Thông Minh - Tỉnh Táo - Mạnh Mẽ - Tử Tế - Can Đảm trong khi chơi những trò chơi Interland quen thuộc.

Cùng lúc, cha mẹ của các em cũng có thể trải nghiệm và được hướng dẫn sử dụng những ứng dụng quản lý nội dung như YouTube Kids, YouTube Family Link, YouTube SupeX; tìm hiểu cách định hướng nội dung lành mạnh cho trẻ, đồng thời đặt ra các hạn chế để ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ trẻ có thể tiếp cận những nội dung không phù hợp.

Khi thầy cô đồng hành cùng trẻ để lên mạng an toàn hơn

Theo các chuyên gia, trẻ em cần được hướng dẫn ngay tại trường về kỹ năng nhận diện những vấn đề không tốt trên môi trường trực tuyến và biết cách phản ứng đúng với chúng. Để làm được như vậy, các thầy cô cần có kỹ năng trao đổi và hướng dẫn học sinh về các tiêu chuẩn ứng xử trên mạng.

Trong hai năm vừa qua, Google đã phối hợp cùng các cơ quan đối tác và nhà trường để nâng cao ý thức an toàn mạng cho giáo viên, đưa họ trở thành lực lượng đồng hành bên trẻ em và phụ huynh của các em. Chỉ tính riêng với chương trình “Em An Toàn Hơn Cùng Google" do Google phối hợp cùng Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (C.F.C) triển khai tại Việt Nam từ năm 2021, hơn một triệu học sinh và 7.443 giáo viên ở 1.115 trường tiểu học trên cả nước đã được tiếp cận thông qua các đợt tập huấn trực tiếp và trực tuyến giúp các em nâng cao kiến thức, sẵn sàng tham gia môi trường mạng an toàn và tự tin.

Gia đình nghệ sĩ Lý Hải - Minh Hà trải nghiệm trò chơi Interland

Nếu như trước năm 2021 có đến hơn 1/3 số phụ huynh được khảo sát chưa bao giờ nói chuyện với con về an toàn mạng, thì khảo sát năm 2023 cho thấy 87,7% phụ huynh Việt Nam đã có thể dễ dàng trao đổi với con về chủ đề này. Phụ huynh cũng chủ động tìm kiếm các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ con trong học tập (78,2%); tìm kiếm nội dung giáo dục chất lượng cao (72,2%); hướng dẫn con về an toàn mạng (64,1%).

Theo đại diện Google Việt Nam, từ năm 2023, Google tiếp tục mở rộng những hoạt động nâng cao kiến thức và kỹ năng an toàn mạng cho người Việt, bao gồm trẻ em, phụ huynh và thầy cô giáo. Sau sự kiện “Vui Hè Trực Tuyến An Toàn”, sân chơi này sẽ được trao tặng cho Cung thiếu nhi Hà Nội đến hết ngày 31/08/2023 nhằm giúp các em và cha mẹ có thêm một hoạt động vui hè bổ ích.

Ông Marc Woo - Giám đốc điều hành phụ trách Việt Nam của Google Châu Á – Thái Bình Dương - cho biết: “Thông qua sân chơi “Vui Hè Trực Tuyến An Toàn”, Google và YouTube cam kết tiếp tục mở rộng chương trình đến với nhiều trường học, giáo viên và học sinh hơn nữa trong năm nay, qua đó giúp nhiều trẻ em tiếp cận nhiều lợi ích tuyệt vời của internet trong không gian an toàn hơn.” 

 

Trước mối lo ngại khó tránh, không ít phụ huynh đã giải pháp cực đoan là cấm con em mình tiếp xúc với Internet. Nhưng thực tế, giải pháp tốt nhất hiện tại để trẻ có thể phát triển an toàn lành mạnh trên môi trường mạng, cần sự kết hợp chặt chẽ của các cá nhân liên quan: Gia đình, nhà trường, xã hội và chính các em! Ngoài việc cha mẹ cần chủ động hạn chế khả năng trẻ có thể tiếp cận những nội dung thiếu lành mạnh, chính các em phải trở thành người nhận thức được những thông tin mà mình tiếp cận được. 

Đinh Thị Như Hoa, Trung tâm VNCERT/CC

Có thể bạn quan tâm