Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế đã nhận được một số hồ sơ của các nhà cung cấp nước ngoài như Meta, Google, eBay, Netflix, Spostify,… đề nghị được miễn thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) với số tiền thuế đề nghị miễn khoảng 5.500 tỷ đồng.
Cụm từ "gây khó" cho việc thu thuế TNDN của DN nước ngoài
Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định: "Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính".
Trong dự thảo sửa đổi, Bộ Tài chính đề nghị bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”, vì cụm từ này đang gây khó khăn cho việc thu thuế với nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Theo phân tích, khái niệm về “cơ sở thường trú” được đặt ra tại các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần nhằm xác định quyền tài phán về thuế hay phân chia quyền đánh thuế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ có ký kết Hiệp định thuế. Điều này dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài nếu tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam mà “không có cơ sở thường trú” tại Việt Nam thì sẽ “không bị đánh thuế thu nhập” tại Việt Nam.
Áp dụng khoản 4 Điều 42 nói trên, khi đăng ký nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, các nhà cung cấp nước ngoài đã xác định thuộc trường hợp “không có cơ sở thường trú” và “không phải nộp thuế TNDN” tại Việt Nam theo quy định tại Hiệp định.
Theo Bộ tài chính, Tổng cục Thuế đã nhận được một số hồ sơ đề nghị áp dụng Hiệp định thuế của các nhà cung cấp nước ngoài như Meta, Google, eBay, Netflix, Spostify,… đề nghị được miễn thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh TMĐT với số tiền thuế TNDN đề nghị miễn khoảng 5.500 tỷ đồng.
Nội dung về “cơ sở thường trú” không còn phù hợp
Theo Bộ Tài chính, nội dung định nghĩa về “cơ sở thường trú” gắn với cơ sở kinh doanh cố định tại các Hiệp định thuế (được ký kết từ nhiều năm trước) là không còn phù hợp với loại hình kinh doanh TMĐT hiện nay, khi mọi giao dịch cung cấp dịch vụ được thực hiện và vận hành trên không gian số bởi các nền tảng kỹ thuật số trực tuyến mà không có sự hiện diện vật lý của hàng hóa, cơ sở kinh doanh cố định.
Do đó, việc giữ cụm từ “không có cơ sở thường trú” tại khoản 4 Điều 42 sẽ không có lợi khi bảo vệ quyền đánh thuế, từ chối áp dụng hiệp định thuế của các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thực tiễn công tác quản lý thu thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới cho thấy: đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, khai, nộp thuế TNDN qua Cổng thông tin với tổng số thuế nộp vào NSNN là hơn 18 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số nhà cung cấp nước ngoài cho rằng họ “có cơ sở thường trú” thông qua việc thành lập các Văn phòng đại diện, tham gia vào hoạt động tại Việt Nam (như Booking.com, Agoda,…) nên không thuộc đối tượng phải đăng ký, khai nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Số thuế của các đối tượng này được thực hiện thông qua cơ chế khai thay, nộp thay thuế nhà thầu nước ngoài của các tổ chức trong nước theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC (các giao dịch B2B), còn đối với các giao dịch với cá nhân tại Việt Nam (giao dịch B2C) thì chưa có cơ chế để quản lý, kiểm soát kê khai, nộp thuế đối với các giao dịch B2C này.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc bỏ cụm từ “không có cơ sở thường trú” tại khoản 4 Điều 42 sẽ tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài “có cơ sở thường trú” đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế, đảm bảo bao quát đầy đủ, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế đồng thời tạo được môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.