Cuộc đua "săn người" ráo riết
Ken Wu, người sẽ hoàn thành bằng tiến sĩ vào tháng 6/2022 tại Đại học Yang Ming Chiao Tung, một trong những trường về vi điện tử uy tín nhất Đài Loan, cho biết đã được nhiều nhà sản xuất chip hàng đầu tiếp cận suốt 2 năm qua.
"Tôi vẫn đang trong quá trình lấy bằng tiến sĩ và không thể nhận một công việc toàn thời gian. Nhưng tôi liên tục nhận được email, cuộc gọi từ bộ phận nhân sự, thậm chí từ một số giám đốc điều hành công nghệ để xem liệu tôi có muốn đặt lịch phỏng vấn để tìm hiểu thêm về công ty và bộ phận của họ hay không".
Được biết, trong số các lời đề nghị, Wu đã lựa chọn trở thành kỹ sư cấp cao của Macronix - nhà cung cấp bộ nhớ chuyên biệt cho Apple, Nintendo và BMW - vào cuối năm nay.
MediaTek và nhà sản xuất chip lớn nhất Đài Loan TSMC đang tuyển dụng tổng cộng hơn 10.000 nhân viên trong năm nay
Wu không phải là trường hợp cá biệt. Ngành công nghiệp bán dẫn đang trong giai đoạn tuyển dụng điên cuồng nhằm lấp đầy khoảng trống do tình trạng thiếu chip trong năm qua và giải quyết nhu cầu trên toàn thế giới trong việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa hóa. Không nơi nào mà áp lực lại gay gắt hơn ở Đài Loan, trung tâm sản xuất chip tiên tiến của thế giới, nơi nhu cầu tìm kiếm tài năng kỹ thuật đang tăng lên cùng lúc với số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng thu hẹp. Theo Nikkei Asia, các chuyên gia nhân sự, giám đốc điều hành trong ngành và quan chức được phỏng vấn đều có chung nhận định: Thiếu hụt nhân tài hiện nay đang ở mức nghiêm trọng nhất mà họ từng thấy. Hầu hết đều dự đoán tình trạng này sẽ trở nên tệ hơn.
Tính đến cuối năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan có hơn 290.000 người, so với dân số 23,4 triệu người. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, con số này tăng từ 225.000 người chỉ hai năm trước đó vào năm 2019, và việc mở rộng nguồn lực được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra. Hai nhà sản xuất chip lớn nhất của Đài Loan là Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) và MediaTek đang thuê tổng cộng hơn 10.000 nhân viên trong năm nay, phần lớn ở Đài Loan.
Theo Nikkei, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ tư thế giới United Microelectronics đặt mục tiêu thuê 1.500 người ở Đài Loan trong năm 2022. Công ty sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất châu Âu ASML cho biết sẽ tuyển dụng 1.000 nhân viên tại Đài Loan trong năm nay trong tổng số 4.000 nhân viên trên toàn cầu. Các hãng sản xuất vật liệu và công cụ chip khác như Applied Materials, Merck, Entegris cũng sẽ bổ sung hàng trăm công việc trên hòn đảo này trong năm nay. Theo tổng hợp từ các nguồn tin, hơn 2.000 việc làm đang được mở tại Đài Loan từ các nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ Micron, Intel, Qualcomm, Nvidia và AMD, cũng như các nhà phát triển chip hàng đầu của Đài Loan như Novatek, Realtek và Phison Electronics.
Ngoài những hãng bán dẫn lớn, có một hệ sinh thái gồm các công ty nhỏ hơn cũng đang rất cần nhân tài cho vị trí phát triển chip quan trọng, quy trình sản xuất, phân tích dữ liệu...
Theo khảo sát từ nền tảng tuyển dụng địa phương lớn nhất Đài Loan 104 Job Bank, tổng số vị trí tuyển dụng cho các vị trí trong ngành chip đã lên đến 34.000 vào tháng 12.2021, tăng gần 77% so với hai năm trước đó.
Tình hình này đang gây ra xáo trộn trong các ngành công nghiệp khác ở Đài Loan và làm thay đổi trọng tâm kinh tế trên đảo. Bờ biển phía tây của Đài Loan là nơi có chuỗi cung ứng chất bán dẫn hoàn chỉnh, nhưng TSMC năm ngoái tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy chip tiên tiến tiếp theo ở thành phố Cao Hùng ở miền nam Đài Loan, nơi này vốn là một trung tâm công nghiệp truyền thống.
Tuyển dụng ồ ạt trên khắp thế giới
Johnny Lin, Tổng giám đốc Netlink Communication, công ty khởi nghiệp phát triển chip cho thiết bị kết nối, nói với Nikkei rằng gần đây ông đã mất một số kỹ sư có kinh nghiệm “vì đối thủ lớn và công ty nước ngoài chào giá cao hơn 70%, hoặc thậm chí gấp đôi tiền lương trọn gói”. Là một công ty khởi nghiệp, công ty của ông Lin cung cấp quyền chọn cổ phiếu như động lực bổ sung. “Nhưng ưu đãi như vậy có thể vẫn không hiệu quả khi có rất nhiều việc làm ngay lập tức được mở từ các nhà sản xuất chip đa quốc gia lớn”.
Các nhà sản xuất chip lớn trên toàn cầu đã công bố kế hoạch mở rộng trị giá hơn 370 tỉ USD. Các chính phủ từ Liên minh châu Âu (EU), cho đến Hàn Quốc, Ấn Độ đều đang tăng trợ cấp cho ngành công nghiệp chip. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc nhấn mạnh về nhu cầu thu hút và giữ chân nhân tài chip để đảm bảo khả năng cạnh tranh lâu dài của ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện ngày càng có nhiều công ty chuyển sang phát triển chip, làm tăng thêm nhu cầu về nhân tài. Các công ty internet giàu có như Google, Amazon, Facebook, Alibaba, Tencent, và các nhà sản xuất ô tô như Ford, Tesla đang xây dựng đội ngũ thiết kế chip để giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với phần quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Trong khi cuộc chiến nhân tài đang làm đau đầu các nhà điều hành và chính phủ, thì đó lại là lợi ích cho những người có kỹ năng thích hợp. “Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp của tôi đã tìm được việc làm. Hơn một năm trước khi tốt nghiệp, họ đã biết trước họ sẽ đi đâu trong năm đầu tiên sau khi ra trường”, Hou Tuo-hung, giáo sư về kỹ thuật điện tử kiêm phó chủ tịch phụ trách R&D tại Đại học Yang Ming Chiao Tung, nói.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Lao động Đài Loan, mức lương chung tối thiểu hợp pháp ở Đài Loan là 25.250 đô la Đài Loan (khoảng 906 USD) hằng tháng, trong khi mức lương khởi điểm trung bình hằng tháng cho một người trong ngành bán dẫn là khoảng 52.288 đô la Đài Loan. Tuy nhiên, phỏng vấn của Nikkei với các giám đốc điều hành và sinh viên cho thấy, các nhà phát triển chip lớn đang sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn nhiều so với con số vừa nêu. Ví dụ, lương hằng tháng của MediaTek dành cho sinh viên tốt nghiệp từ các trường kỹ thuật hàng đầu lên tới 83.000 đô la Đài Loan.
Lạm phát tiền lương như vậy là điều mà kinh tế học đã dự đoán khi cung và cầu mất cân bằng. Sinh viên mới tốt nghiệp STEM, với bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, đã giảm mạnh ở Đài Loan, từ 116.000 năm 2011 xuống còn 92.000 vào năm 2019. Dân số giảm cũng khiến khó có thể đảo ngược xu hướng này trong ngắn hạn.