Theo Nikkei, Samsung Electronics đã bị Micron Technology vượt qua về tỷ suất lợi nhuận mảng kinh doanh chất bán dẫn trong quý gần đây nhất. Sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh vốn mang lại lợi nhuận cao cho Samsung cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng đầu tư vào các lĩnh vực khác như sản xuất hợp đồng chất bán dẫn và màn hình.
Nguyên nhân cho tình trạng nêu trên trong giai đoạn ba tháng đầu năm nay phần lớn bắt nguồn từ việc một nhà máy của Samsung ở Texas (Mỹ) phải tạm ngừng hoạt động vì tình trạng mất điện do tác động của cơn bão tuyết bất thường. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến lợi nhuận đi xuống. Có một yếu đáng kể khác đó là khả năng cạnh tranh trong mảng bộ nhớ bán dẫn của Samsung, với doanh số khoảng 49 tỉ USD và chiếm 40% thị phần toàn cầu, dần giảm sút. Trong khi đó, Micron đang sắp bắt kịp Samsung về công nghệ sản xuất hàng loạt DRAM (Dynamic random-access memory - Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động hay RAM động) tiên tiến với chiều rộng đường mạch là 15 nanomet. Đối thủ Mỹ cũng đi trước Samsung khi bắt đầu sản xuất hàng loạt bộ nhớ flash NAND 176 lớp tiên tiến.
Trong hội nghị công bố thu nhập giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, Giám đốc điều hành Micron Sanjay Mehrotra cho biết việc sản xuất hàng loạt sản phẩm tiên tiến, dẫn đầu ngành bán dẫn đang được tiến hành theo đúng kế hoạch và sẽ trở thành sản phẩm chính của công ty trong năm 2022.
Đà vươn lên nhanh chóng của Micron được cho là nhờ vào đội ngũ kỹ sư nước ngoài tài giỏi. Nikkei dẫn thông tin từ những người trong ngành cho biết, Micron đang thuê một lượng lớn kỹ sư Nhật Bản và Hàn Quốc từ Toshiba, SK Hynix và Samsung để phát triển công nghệ sản xuất tại các cơ sở ở Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, Micron đã mua lại Elpidia Memory, công ty sản xuất chất bán dẫn có trụ sở tại Tokyo và có nhiều kỹ sư DRAM tiên tiến ở Nhật Bản.
Về phần mình, khi được hỏi về hiệu suất mạnh mẽ của các đối thủ cạnh tranh trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 29.4, Phó chủ tịch Samsung Han Jin-man nói: “Chúng tôi có tỷ lệ DRAM 15 nannomet cao nhất ngành và chúng tôi sẽ tiếp tục dẫn đầu ngành bằng cách sản xuất hàng loạt loại 14 nanomet trong nửa sau của giai đoạn này”.
Theo dữ liệu của hãng phân tích Omdia có trụ sở tại Anh, Samsung là công ty lớn nhất trong thị trường DRAM năm 2020, với 41,7% thị phần. Xếp sau là SK Hynix và Micron với tỷ lệ lần lượt là 29,4% và 23,5%. Cấu trúc độc quyền của thị trường đã giúp cả ba công ty đều thu được lợi nhuận cao. Trong thời kỳ bùng nổ bất thường được mệnh danh là “siêu chu kỳ” (supercycle) hồi năm 2018, cả Samsung, Hynix và Micron đều đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động đáng kinh ngạc trên 50%.
Để đạt được khả năng sinh lời cao, Samsung đã áp dụng thông minh chiến lược điều chỉnh đầu tư. Cụ thể, khi giá bắt đầu giảm, Samsung sẽ điều chỉnh đầu tư vốn để giữ cung và cầu cân bằng. Đó là kỹ thuật mà chỉ Samsung, với thế độc quyền về các sản phẩm tiên tiến và thị phần áp đảo, mới có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu công nghệ cải tiến mới của Micron dẫn đến cuộc chiến giành thị phần, thì thị trường DRAM có thể sẽ phát triển không ổn định. Thị phần của Samsung trên thị trường DRAM thực sự đã giảm 5 điểm phần trăm so với năm 2016. Thị phần trên thị trường NAND giảm 2 điểm từ 36,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, cổ phiếu của Micron trên thị trường DRAM và NAND lần lượt tăng 3 điểm và 1 điểm.
Theo Nikkie, hiện tỷ suất lợi nhuận mảng kinh doanh bán dẫn của Samsung là 18%, mức cao đối với một công ty sản xuất. Nhưng nhiều người cho rằng tỷ suất lợi nhuận của Micron ở mức 20% là dấu hiệu cho thấy Samsung đang đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình. Khoảng cách công nghệ giữa hai công ty trong thời gian tới sẽ là yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng cạnh tranh cũng như tương lai của ngành công nghiệp bộ nhớ.