Workshop: “Cách mạng 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM của Giải thưởng NTĐV 2017, với sự tham dự của các diễn giả có uy tín trong và ngoài nước về các chủ đề thiết thực. Năm 2017, Giải thưởng NTĐV chính thức mở ra hệ thống giải thưởng “CNTT Khởi nghiệp”. nhằm thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của cộng đồng khởi nghiệp, đóng góp những sản phẩm công nghệ thông tin có chất lượng cao cho Giải thưởng. |
Workshop có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (NTĐV) 2017; PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - Thành viên Ban giám khảo Giải thưởng NTĐV lĩnh vực CNTT, diễn giả chính là ông Nguyễn Hữu Thái Hoà - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chiến lược Tập đoàn VNPT... cùng đông đảo sinh viên và các đại diện startup.
Trong hơn ba tiếng đồng hồ, các đại biểu tham dự đã chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm quanh chủ đề chính là làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp, đặc biệt là trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ như hiện nay. Cùng đó, nhiều câu hỏi thẳng thắn và những băn khoăn của những bạn trẻ về con đường khởi nghiệp đã được đặt ra với các vị khách mời.
Khởi nghiệp đang "gặp thời thế", nhưng không hề dễ dàng
"Đây là thời điểm các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đang có những cơ hội rất lớn" - ông Nguyễn Hữu Thái Hoà nhận định khi nhắc đến những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Ông cũng cho rằng, giai đoạn 10 năm tới có thể coi là một "kỷ nguyên bùng nổ" của startup, với điều kiện chúng ta phải định vị lại startup, phải có hướng phát triển startup một cách bài bản.
Từ góc nhìn của một chuyên gia tư vấn chiến lược, ông cho rằng: Việt Nam đang và luôn cần những giải pháp công nghệ mới để giúp phát triển, tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là mang đến những tiện ích cho cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng: để khởi nghiệp là phải sẵn sàng "bỏ ngang" con đường học hành hay công việc tại đâu đó, lao ra đường kiếm tiền, theo đuổi ước mơ…
Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, đối với những người khởi nghiệp nói riêng và các bạn trẻ nói chung, điều quan trọng là tư duy "mở", ý thức về sự sáng tạo và nghiêm túc khi theo đuổi những ý tưởng ban đầu: "Ý tưởng, các công cụ kỹ thuật và những gì chúng ta nhìn thấy trong thời đại thông tin không quan trọng bằng việc có được tư duy sáng tạo và nỗ lực làm việc nghiêm túc để hướng tới thành công".
“Điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là phải tạo ra một lộ trình tri thức. Các em phải đóng gói tri thức từ nhà trường, từ xã hội... để khi bước ra làm startup, các em thực sự vững vàng” - ông Thái Hoà chia sẻ.
Buổi workshop này cũng như hàng loạt hoạt động khác của Tập đoàn VNPT được kỳ vọng như một làn gió mới thổi vào cộng đồng startup, để những người khởi nghiệp hiểu đúng và quan tâm hơn đến sự bài bản, sự nghiêm túc của lĩnh vực này, cũng như bước đầu đưa ra chuẩn mực về startup.
"Khi những tiêu chuẩn Việt Nam về khởi nghiệp được đặt ra và áp dụng, chúng ta sẽ có tương lai rất khác về khởi nghiệp", ông Thái Hòa nói
Có công thức cho thành công hay không?
Chia sẻ với các bạn trẻ xung quanh giải thưởng NTĐV, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Thành viên Ban giám khảo Giải thưởng lĩnh vực CNTT - cho biết: "Theo tôi thấy có 3 yếu tố sẽ làm nên một sản phẩm tốt. Thứ nhất là Ý tưởng phải độc đáo, khác biệt - để sản phẩm có thể đi ra thị trường và có chỗ đứng. Thứ hai, cần có Đam mê đưa ý tưởng đó thành hiện thực. Sự đam mê này sẽ giúp các em vượt qua được rất nhiều trở ngại trong quá trình làm ra được sản phẩm. Thứ ba là Chuẩn bị chu đáo, cẩn thận trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, xây dựng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ tham dự giải thưởng NTĐV, và chuẩn bị chu đáo cho việc trình bày sản phẩm trước hội đồng BGK”.
Đồng thời, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cũng cho rằng: NTĐV không chỉ là “bệ phóng” thành công cho các startup tham gia, mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn đối với các sinh viên.
“Khi chúng ta tạo ra một sản phẩm, chúng ta đã trải qua cả một giai đoạn từ thai nghén ý tưởng đến làm sản phẩm và trình bày sản phẩm. Quá trình đó sẽ trang bị cho các em có đầy đủ kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày. Việc nung nấu để ra được một ý tưởng tham dự NTĐV có nghĩa là đã hội tụ tốt hơn các kỹ năng để sau này chúng ta có thể làm việc cho các doanh nghiệp. Tôi tin chắc rằng, khi chúng ta có một sản phẩm trình bày với một tập đoàn lớn như VNPT, thì họ sẽ hỏi các em trong quá trình làm việc các em sẽ có ý tưởng như thế nào và phát triển ra làm sao? Với những kỹ năng các em nhận được sau quá trình phát triển sản phẩm tham dự NTĐV, thì cơ hội nhận được việc làm của các em sẽ lớn hơn rất nhiều. Các em sẽ đủ tự tin để xin việc và có những lựa chọn tốt hơn ở các Tập đoàn lớn”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng giám đốc VNPT-Media, Phó Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 cũng cho biết: VNPT ngoài vai trò là nhà tài trợ, là một đơn vị đồng tổ chức giải thưởng thì còn là một doanh nghiệp. Vì vậy, VNPT rất hoan nghênh và mong đợi những dự án tiềm năng, phù hợp với lĩnh vực của VNPT để cùng nghiên cứu, phát triển.
Hiện, Tập đoàn VNPT đã và đang tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác với các trường ĐH trên cả nước để đưa những công trình nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu, ý tưởng của sinh viên, của các giáo sư để triển khai ngay trên hệ thống của VNPT.
Bên cạnh đó, VNPT cũng hợp tác, đầu tư những trung tâm R&D tại một số trường khác như: ĐH Đà Lạt để nghiên cứu về nông nghiệp thông minh, ĐH Quốc gia Tp.HCM để nghiên cứu về phân tích dữ liệu…
"Chúng tôi cũng là một tập đoàn viễn thông với những sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Hiện VNPT đang phục vụ khoảng 5,5 triệu thuê bao băng rộng cố định và gần 30 triệu thuê bao băng rộng di động. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn được hợp tác với các bạn có những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo để phong phú hơn nữa cho khách hàng của mình" - ông Tấn chia sẻ.