Doanh nghiệp CNTT "bàn tròn" gỡ khó, duy trì nhịp tăng trưởng trong khó khăn

Tạp chí Nhịp sống số - Duy trì nhịp tăng trưởng trong giai đoạn thị trường gặp nhiều bất lợi là chủ đề của Hội thảo do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức vừa qua.

Hội thảo: “Doanh nghiệp CNTT: Duy trì nhịp tăng trưởng trong khó khăn” là hoạt động mở đầu chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm Giải thưởng Sao Khuê – giải thưởng uy tín, tiêu biểu nhất của ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam tròn 20 năm tuổi. Với hình thức diễn đàn mở, đây được xem là là "bàn tròn" để một số doanh nghiệp công nghệ thành công cùng chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm về bán hàng, duy trì tăng trưởng... tới cộng đồng doanh nghiệp. 

Thách thức song hành cùng cơ hội

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VINASA cho biết: "Hiện nay, từ Chính phủ tới các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cho đến tư nhân đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số. Đây chính là cơ hội rất lớn và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp CNTT..."

Theo đó, ở thị trường quốc tế, chúng ta cũng đang đứng trước cơ hội, trong đó, kết quả kinh doanh của FPT tại thị trường Mỹ là một minh chứng. Trước đó, Nhật Bản vốn là thị trường chính nhiều năm của FPT, nhưng đến năm 2022, tăng trưởng doanh thu từ thị trường Mỹ đã khiến đây trở thành một đối trọng ngang bằng thị trường Nhật Bản…

Bà Nguyễn Thị Thu Giang cũng kỳ vọng, qua các sự kiện này sẽ có thể chia sẻ các câu chuyện, giải pháp giúp các doanh nghiệp CNTT phát triển bền vững, nắm bắt thời cơ để thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng thương hiệu, niềm tin với khách hàng…

duy trì nhịp tăng trưởng trong khó khăn
Ông Lê Hồng Quang - Phó TGĐ thường trực CTCP MISA - chia sẻ những kinh nghiệm của công ty

Đồng tình với quan điểm này, diễn giả Lê Hồng Quang - Phó TGĐ thường trực CTCP MISA - cũng chia sẻ những đúc rút từ chính doanh nghiệp mình. Theo ông, trong giai đoạn nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam gặp nhiều khó khăn, để "gỡ khó" trong giai đoạn ngắn hạn, các doanh nghiệp cần tập trung vào khách hàng hiện tại và tối ưu hóa các nguồn lực. 

Cụ thể, với bài toán môi trường kinh doanh liên tục thay đổi, việc xây dựng đội ngũ bán hàng và chiến lược tăng trưởng doanh thu bền vững luôn là thách thức lớn đối với mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần "giữ chân" khách hàng cũ bằng các hoạt động chăm sóc được cá nhân hóa, tối ưu chi phí tìm kiếm khách hàng mới... Đặc biệt, cần xây dựng quy trình dựa trên hành trình của người mua hàng chứ không phải theo góc độ chủ quan của doanh nghiệp. Đơn cử, khi mà hành vi mua sắm của khách hàng ngày càng phổ biến qua smartphone và thiết bị công nghệ, thì doanh nghiệp phải chú trọng hơn tới trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số. 

Với doanh nghiệp, cần xây dựng được mô hình kinh doanh phù hợp từ cơ cấu tổ chức tới đội ngũ kinh doanh, bán hàng. Trong đó, cần chú trọng quy trình bán hàng dựa trên hành trình mua hàng của khách hàng mục tiêu. Đặc biệt là phải xây dựng được “chân dung khách hàng” để có giải pháp phù hợp. Từ đó, có thể xây dựng nên những kịch bản tiếp cận khách hàng phù hợp và đưa ra các giải pháp.

Doanh nghiệp cần "sửa mình" trước khi "cầu người"

Ở tầm vĩ mô, theo ông Quang, năm 2023, cơ hội với các doanh nghiệp công nghệ vẫn rất lớn khi chuyển đổi số được Chính phủ xem là một trong những trọng tâm để duy trì tăng trưởng giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, thay vì bung ra khai mở thị trường mới thì doanh nghiệp nên cân đối nguồn lực để "sửa mình" trước khi "cầu người". Cụ thể là cải tiến quy trình, nâng cấp công nghệ, đào tạo nâng cao cho nhân viên và chú trọng hơn vào chăm sóc các khách hàng cũ. Trong quá trình này, mọi thứ đều cần được cụ thể hóa bằng các chỉ số để có thể đo lường và giải quyết hiệu quả. 

Đồng quan điểm, ông Hoàng Trung Thiên Vương, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Marketing của Nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn cũng cho rằng: Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp cần tập trung vào khách hàng hiện tại và tối ưu chi phí tìm kiếm khách hàng mới. Đồng thời, thường xuyên đối thoại với khách hàng sẵn có, tìm hiểu, khai thác các nhu cầu mới của họ trên hành trình phát triển để có chiến lược đúng đắn. Bên cạnh đó, xác định những điểm nghẽn, "điểm đau" trong nội tại doanh nghiệp để quyết liệt xử lý, dồn nguồn lực cho các thế mạnh mũi nhọn để tối ưu doanh thu, tăng trưởng bền vững. 

Có thể bạn quan tâm

GapoWork và NEWING vừa ký kết hợp tác chiến lược, nhằm kết hợp những thế mạnh về công nghệ và kiến thức quản lý hiện đại, mang đến bộ công cụ giúp nâng cao hiệu suất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.