Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang “tăng tốc”

Tạp chí Nhịp sống số - Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam”, diễn ra ngày ngày 24/11 tại TP Hồ Chí Minh

Chiều ngày 24/11 tại TP Hồ Chí Minh, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã tổ chức hội thảo Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST VIETNAM 2023 - TECHFEST - WHISE 2023” do Bộ KH&CN, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Chính sách làm "bệ đỡ" cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Hội thảo "Chuyển đổi sốĐổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam" có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ, Hội Sáng chế Việt Nam…, đại diện nhiều doanh nghiệp như BUSADCO, Savipharm, Thái Bình Seed, Sao Thái Dương… cùng trao đổi về các vấn đề “nóng” hiện nay như thể chế chính sách thúc đẩy thương mại hóa sáng chế, mở rộng thị trường, phát triển khoa học công nghệ; gỡ khó các vướng mắc về chính sách đối với doanh nghiệp KHCN; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo; bàn giải pháp phát triển doanh nghiệp trong thời đại số…

Với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, việc phát triển và ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã từng bước phát triển, nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang “tăng tốc”
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam Hoàng Đức Thảo phát biểu tại Hội thảo

Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Báo cáo GII 2023 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.

Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Việt Nam đã thiết lập một hệ thống pháp luật và quy định để hướng dẫn việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, phù hợp với các điều ước quốc tế hiện hành. Tiến trình thương mại hóa tuân thủ tất cả các luật và quy định liên quan cả trong nước và quốc tế.

Ông Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - nhấn mạnh: Việc đầu tư phát triển KHCN là cốt lõi trong hoạt động doanh nghiệp KHCN. Cơ chế chính sách ưu tiên phát triển, bảo hộ thị trường hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo hộ công nghệ, sản phẩm KHCN Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, hướng đến làm chủ công nghệ với kỳ vọng làm chủ thị trường trong nước và quốc tế.

Sự ra đời Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN được xem là bước đột phá về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động doanh nghiệp KHCN, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… giúp doanh nghiệp KH&CN có thêm điều kiện để phát triển.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm KHCN

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam với 170 doanh nghiệp hội viên cho thấy, có 11 doanh nghiệp đã cung cấp số liệu được ưu đãi (gồm Busadco, Sao Thái Dương, Minh Long 1, Thái Bình Seed, Tiến Nông, gốm sứ Quang Vinh…) thì tổng số tiền vào khoảng 180 tỷ đồng. Còn lại đa phần là các doanh nghiệp vẫn chưa đủ điều kiện được ưu đãi và chưa thực hiện thủ tục.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Hoàng Đức Thảo, kết quả thương mại hóa sản phẩm KHCN ra thị trường chưa tương xứng với đầu tư và kết quả nghiên cứu. Việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến không đạt hiệu quả như mục tiêu và nhu cầu phát triển. Không ít doanh nghiệp chưa đặt trọng tâm đổi mới sáng tạo KHCN, để làm nền tảng cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Thông tư số 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp KH&CN quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp KHCN được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, thủ tục và hồ sơ để thụ hưởng chính sách ưu đãi này theo hướng dẫn tại Thông tư 03 vẫn còn rất phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách.

Doanh nghiệp KHCN cần được vay vốn ưu đãi, mặc dù có tài sản đảm bảo nhưng không có cơ hội tiếp cận, không biết có tổ chức nào tập huấn, đào tạo và hướng dẫn phương pháp, bước đi cách làm hồ sơ thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến ưu đãi doanh nghiệp KHCN.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam kiến nghị cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo. Cần tăng cường năng lực hiệu quả của tổ chức Thanh tra Bộ KH&CN để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thúc đẩy hoạt động KHCN...

Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang “tăng tốc”
TS Trần Văn Tùng - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN - đề cập đến tính cấp thiết của việc xây dựng kho dữ liệu về KHCN, sáng chế

Liên quan đến định hướng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong thời gian tới, ông Trần Xuân Đích cho rằng cần xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH&CN, khuyến khích hợp tác công – tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ…

"Đề nghị Bộ KH&CN có cơ chế ưu tiên rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thương mại hóa sản phẩm ra thị trường theo hướng quy định chủ sở hữu và tác giả phải cam kết chịu trách nhiệm bồi thường thích đáng nếu có tranh chấp", đại diện Hiệp hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần hỗ trợ không hoàn lại kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp KH&CN thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ từ các viện, trường. Doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ KH&CN được nhận góp vốn bằng quyền tài sản của viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức, cá nhân khác. 

Đặc biệt, TS Trần Văn Tùng - nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN - đề cập đến tính cấp thiết của việc xây dựng kho dữ liệu về KHCN, sáng chế.

"Nếu chúng ta liên kết tất cả các kho dữ liệu công nghệ, sáng chế lại với nhau, xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn về công nghệ thì tất cả những ai cần đến sẽ truy cập vào đó hoàn toàn có thể tìm hiểu, lựa chọn công nghệ phù hợp. Các tỉnh phải là đầu mối cùng với các sở, ban ngành cùng xây dựng được cơ sở dữ liệu. Khi đó Việt Nam mới dần hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu công nghệ và việc quản lý mới thực sự hiệu quả", ông Tùng nói.

Có thể bạn quan tâm

Mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm thu phát sóng, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.