Gần 600.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi trước thời điểm "cắt sóng"

Tạp chí Nhịp sống số - Chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G vào ngày 15/10/2024, vẫn còn khoảng 600.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi sang 4G khiến các nhà mạng phải triển khai nhiều giải pháp gấp rút

Những số liệu, thông tin về việc gấp rút vận động, tuyên truyền các thuê bao 2G chưa chuyển đổi sang 4G được đưa ra trong tọa đàm “Tắt sóng 2G trước giờ G” do Cục Viễn thông phối hợp với báo VietNamNet, Trung tâm Thông tin tổ chức ngày 11/10 tại Hà Nội. 

Giai đoạn nước rút trước giờ tắt sóng 2G

Theo đó, đại diện các doanh nghiệp viễn thông cho biết, hiện đang là giai đoạn "nước rút" nhằm vận động khách hàng là thuê bao 2G chuyển đổi sang 4G, tiến tới mục tiêu tắt sóng 2G vào ngày 15/10/2024.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, bao gồm: quảng bá thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông trực tiếp tới khách hàng qua nhiều hình thức... Theo đại diện Cục Viễn thông, tính đến chiều 11/10, chỉ còn gần 600.000 thuê bao 2G Only, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ TT&TT, các địa phương và các nhà mạng để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G.

Gần 600.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi trước thời điểm "cắt sóng"
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT - phát biểu tại Tọa đàm

Về phía các nhà mạng, ngoài việc hỗ trợ kinh phí máy điện thoại 4G Only kết hợp các gói cước chuyển đổi, doanh nghiệp còn hỗ trợ lên tới 100% kinh phí máy điện thoại 4G. Có nhà mạng còn hỗ trợ tặng máy không cần đăng ký gói cước cho các các hộ nghèo, cận nghèo, thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... để chuyển đổi sang máy điện thoại 4G.

Ông Nguyễn Trọng Tính - Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom - cho biết: Tính đến ngày 10/10, mạng Viettel ghi nhận chỉ còn 360.000 thuê bao 2G Only. Dự kiến đến ngày 15/10 Viettel sẽ chỉ còn dưới 100.000 thuê bao 2G (bao gồm cả thuê bao 2G ở khu vực các đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Nhà giàn DK1). Gần như mọi đối tượng đều được Viettel hỗ trợ máy 100%.

"Với những kết quả này, mặc dù chưa đạt mục tiêu đặt ra là đưa thuê bao 2G Only về 0 nhưng nếu đạt được dưới 100.000 thuê bao 2G Only đến 15/10, chúng tôi đánh giá là đạt mục tiêu và hài lòng với kết quả này", ông Tính nói.

Nhà mạng VNPT VinaPhone, cũng cho biết, đến sáng ngày 11/10, trên toàn mạng lưới VNPT còn khoảng 150.000 thuê bao 2G Only.

"Thời gian qua VNPT đã rất nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT..." -  ông Đỗ Mạnh Dũng, quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone nói - "Dự kiến, trong 4 ngày tới VNPT vẫn sẽ tiếp tục huy động nhân viên trên toàn quốc để hỗ trợ chuyển đổi máy cho khách hàng, khu vực vùng sâu vùng xa sẽ bố trí nhân lực phục vụ trực tiếp... Mục tiêu đặt ra là qua ngày 15/10 chỉ còn dưới 100.000 thuê bao 2G".

Về phía MobiFone, tính đến ngày ngày 11/10 còn 47.919 thuê bao 2G Only, ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone - cho biết.  

"Đây là số lượng rất nhỏ. Nếu tính theo tiêu chí không sử dụng thiết bị 2G trong 30 ngày, ARPU dưới 5.000 đồng thì chỉ còn khoảng 20.000 thuê bao. Với tiến độ như vậy, sau 1 tuần nữa, lượng thuê bao 2G Only của MobiFone chỉ còn khoảng 10.000", ông Dũng nói.

Các nhà mạng nhỏ như Vietnamobile còn khoảng 17.000 thuê bao 2G, ASIM còn gần 5.000 thuê bao sử dụng máy Feature Phone, VNSKY ước chừng vài nghìn thuê bao 2G và Mobicast chỉ còn 423 thuê bao 2G.

Nỗ lực kép vừa chuyển đổi vừa duy trì tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), con số 600.000 thuê bao 2G "tồn" là kết quả ấn tượng, là sự nỗ lực quyết tâm lớn của các doanh nghiệp khi nhìn lại vào tháng 1/2024 toàn mạng có hơn 18 triệu thuê bao 2G.

"Đây là nỗ lực rất lớn khi chúng ta vừa giữ chất lượng mạng lưới, phát triển mạng 5G cũng như duy trì sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đã cho thấy trách nhiệm trong việc giảm số lượng thuê bao 2G. Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp còn là sự vào cuộc của cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình đồng hành truyền thông chính sách của Bộ TT&TT", ông Nhã nhận định. 

Như vậy, theo quy định, sau ngày 15/10, khoảng 600.000 thuê bao 2G còn lại sẽ bị dừng cung cấp dịch vụ hai chiều gọi đi gọi đến. Tuy nhiên ông Nhã đề nghị doanh nghiệp viễn thông cần tiếp tục phân tích hành vi người dùng thuê bao để đảm bảo quyền lợi tốt nhất của người dùng: "Vì nhiều lý do có thể có người dùng chưa nắm được thông tin hay chưa có cơ hội đổi máy với nhà mạng. Trong 4 ngày tới sẽ đẩy mạnh truyền thông hơn, đề nghị cơ quan truyền thông đồng hành cùng cơ quan nhà nước, doanh nghiệp viễn thông để truyền thông tới người sử dụng. Với các thuê bao dừng cung cấp dịch vụ sau ngày 15/10, tôi đề nghị các nhà mạng tiếp tục có chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp để chuyển đổi sang đầu cuối 4G, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng".

Cũng theo ông Nhã, các nhà mạng cần sáng tạo thêm hình thức mới, chẳng hạn như đếm ngược thời gian thuê bao 2G không còn được sử dụng, tăng cường lực lượng gặp gỡ khách hàng để đảm bảo người dùng được thông tin đầy đủ…, từ đó thể hiện trách nhiệm của nhà mạng với quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Cục Viễn thông, quá trình dừng công nghệ 2G chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất từ 15/10/2024 dừng cung cấp dịch vụ đầu cuối thuê bao 2G. Đến tháng 9/2026 sẽ dừng toàn bộ cung cấp mạng lưới 2G để dành tài nguyên cho mạng mới hơn như 4G, 5G. Về mặt sử dụng tài nguyên tần số sẽ hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm