Giải pháp Việt cho tự động hóa linh hoạt ngành cơ khí

Tạp chí Nhịp sống số - Với định hướng làm chủ công nghệ, phần mềm điều khiển dây chuyền sản xuất thông minh SMARLINEiQ do Weldcom phát triển đang trở thành điểm sáng, góp phần hiện thực hóa tự động hóa linh hoạt bằng chính nền tảng “trí tuệ Việt”.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh vai trò cốt lõi của công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để thúc đẩy tự chủ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bức tranh ấy, các ngành sản xuất truyền thống như cơ khí chế tạo cũng đứng trước yêu cầu phải chuyển mình.

Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), hiện cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí chế tạo với hơn 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Những năm gần đây, ngành cơ khí Việt Nam ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, một điểm nghẽn lớn vẫn nằm ở trình độ công nghệ khi 60-70% doanh nghiệp cơ khí nội địa vẫn ở mức trung bình, trong khi chỉ 30-40% tiếp cận được công nghệ ở mức khá hơn.

phần mềm điều khiển dây chuyền sản xuất thông minh SMARLINEiQ

Vậy, câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để một ngành sản xuất truyền thống như cơ khí có thể chuyển mình, bứt phá nhờ công nghệ Việt? Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động nghiên cứu, phát triển thiết bị và phần mềm chuyên dụng nhằm hỗ trợ ngành cơ khí nâng cao hiệu quả sản xuất và từng bước tiếp cận tự động hóa. Một trong những giải pháp đang được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm là SMARLINEiQ - Phần mềm điều khiển dây chuyền sản xuất thông minh – do Công ty CP Công Nghiệp Weldcom làm chủ.

“Trong quá trình gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi nhận thấy phần lớn đều có mong muốn mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả vận hành. Thế nhưng khi bắt tay thực hiện, họ vướng phải hàng loạt rào cản như hệ thống quản lý thiếu linh hoạt, thiết bị cũ khó kết nối, cho đến chi phí đầu tư tự động hóa còn quá cao. Thêm vào đó, việc thiếu công cụ giám sát thông minh khiến họ dễ bị động khi xảy ra sự cố trong quá trình sản xuất”, đại diện Weldcom chia sẻ.

Xuất phát từ “điểm đau” của khách hàng, SMARLINEiQ được phát triển nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất thủ công sang dây chuyền tự động hóa linh hoạt và thông minh. Đóng vai trò trung tâm điều hành sản xuất, SMARLINEiQ đảm nhiệm từ khâu tiếp nhận bản vẽ thiết kế đến lập kế hoạch và phân công công việc cho từng thiết bị. Nhờ tích hợp thuật toán AI, phần mềm có thể tự động xác định máy phù hợp với từng chi tiết gia công, giúp phân phối công việc hợp lý trên thiết bị sẵn có. Đáng chú ý, SMARLINEiQ còn cho phép tái cấu hình dây chuyền nhằm thích ứng linh hoạt với thay đổi về mẫu mã sản phẩm, mà không phát sinh thêm chi phí đầu tư vào máy móc mới.

phần mềm điều khiển dây chuyền sản xuất thông minh SMARLINEiQ

Ngoài khả năng điều phối, SMARLINEiQ còn tích hợp tính năng giám sát thiết bị theo thời gian thực, cung cấp liên tục các dữ liệu về trạng thái vận hành, sản lượng, thời gian hoạt động và hiệu suất từng công đoạn. Phần mềm cũng hỗ trợ cảnh báo sớm các nguy cơ như va chạm hoặc rủi ro mất an toàn trong quá trình vận hành — một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp kiểm soát tiến độ, chủ động điều phối kế hoạch và nâng cao tính ổn định dây chuyền.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có một bài toán riêng biệt và SMARLINEiQ được thiết kế nhằm giải quyết những yêu cầu đặc thù ấy. Chính tính ứng dụng cao, định hướng rõ ràng và khả năng triển khai thực tế giúp SMARLINEiQ được vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2025. Giải pháp của Weldcom nằm trong số 198 đề cử được chọn từ hơn 500 hồ sơ tham dự trong toàn ngành công nghệ thông tin và đạt xếp hạng 5 sao trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hiện sản phẩm đang được triển khai, thử nghiệm tại một số doanh nghiệp lớn như Karofi, Tập đoàn Hải Long, Thaco… và ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ thực tế vận hành.

Giải pháp Việt cho tự động hóa linh hoạt ngành cơ khí

Trong thời gian tới, giải pháp này dự kiến sẽ được tiếp tục nâng cấp để mở rộng khả năng ứng dụng trong các ngành công nghiệp chế tạo như ô tô, xe máy, đóng tàu, năng lượng, hàng không… đáp ứng kỳ vọng về tính linh hoạt, tự động hóa và số hóa sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

Ngày 19/4/2025 – Tại Lễ công bố và trao giải Sao Khuê 2025, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) vinh dự được nhận giải thưởng dành cho ứng dụng bảo hiểm số MIC Pro, khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số ngành bảo hiểm phi nhân thọ.