
Ngày 02/04/2025, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ khánh thành mô hình quản trị thông minh, tạo nền tảng số hiện đại, đồng bộ, tin cậy hỗ trợ công tác điều hành, đào tạo, nghiên cứu và quản trị của Học viện.

Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Lễ phát động phong trào, ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số” và hội nghị chuyển đổi số trong hoạt động của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được tổ chức ngày 2/4 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu tại sự kiện, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh, khẳng định chuyển đổi số là cuộc cách mạng quan trọng, thúc đẩy sản xuất, đổi mới quản trị và phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Đặc biệt, Nghị quyết 57-NQ/TW nhấn mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực hàng đầu giúp đất nước phát triển nhanh, hiện đại, bắt kịp xu thế.

Dự án Mô hình quản trị thông minh tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh được khởi động từ đầu năm 2024, với mục tiêu tạo nên một nền tảng chuyển đối số toàn diện, quản lý thống nhất, hệ thống trên cơ sở ứng dụng công nghệ số tại tất cả các mặt hoạt động và đơn vị trực thuộc của Học viện. Dự án hướng tới việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và giảng dạy, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong toàn hệ thống Học viện.
Vận hành từ tháng 4/2025, Mô hình quản trị thông minh sẽ được triển khai đồng bộ tại Học viện Trung tâm, Học viện Chính trị Khu vực I, II, III, IV; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Hành chính và Quản trị công, với các hạng mục trọng điểm gồm: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng phần mềm thông minh, cơ sở dữ liệu phục vụ toàn diện các công tác trên hệ thống Học viện.
Tập đoàn FPT và đối tác đảm nhiệm việc triển khai 2 hạng mục quan trọng của dự án, bao gồm đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xây dựng mô hình quản trị thông minh.
Về hạ tầng, dự án trang bị hệ thống 6 máy chủ siêu hội tụ, lưu trữ, mạng và bảo mật đạt chuẩn mức 3 tại Trung tâm dữ liệu. Mạng LAN, wifi được nâng cấp, đường truyền internet tốc độ cao, cầu truyền hình trực tuyến đảm bảo kết nối ổn định. Học viện Trung tâm xây dựng trung tâm điều hành, phòng quản trị mạng, 2 phòng máy tính, trường quay Studio và màn hình ghép tại Hội trường lớn, tạo nền tảng vững chắc cho quản lý, giảng dạy, nghiên cứu.
Dự án triển khai 13 phần mềm nội bộ và 2 ứng dụng mobile, hỗ trợ quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu.
Đại diện đối tác phát triển hệ thống quản trị của Học viện, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, thành công của dự án xây dựng mô hình quản trị thông minh không chỉ nằm ở việc triển khai công nghệ, mà quan trọng hơn là sự thay đổi tư duy, vượt qua những rào cản thói quen để thích nghi với mô hình quản lý tiên tiến. Mô hình quản trị thông minh tại Học viện CTQG Hồ Chí Minh là đột phá toàn diện về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, giúp đồng bộ quản trị thông minh công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên nền tảng số theo đúng tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục song hành cùng Học viện trong việc thúc đẩy AI thông qua xây dựng chiến lược AI tổng thể cho hoạt động quản trị và giảng day, đầu tư hạ tầng và nhân sự theo chiến lược AI, tích hợp AI vào các quy trình nghiệp vụ cốt lõi. Là đối tác phát triển mô hình quản trị thông minh của Học viện, FPT cam kết đồng hành cùng Học viện trong các bước đi tiếp theo để phát triển môi trường học tập thông minh và cá thể hóa quá trình học tập, giảng dạy và quản lý”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.