Ngày 25/5, trận Chung kết Cuộc đua số Mùa 3 đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của các đội đến từ những trường đại học hàng đầu Việt Nam (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự, ĐH Lạc Hồng, ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thông tin Liên lạc và ĐH Nha Trang) và 2 trường quốc tế (ĐH Greenwich - Anh; ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn đông - Nga). Hơn 1000 người có mặt tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao Tây Hồ (Hà Nội) và hàng trăm ngàn khán giả trên cả nước đã cùng theo dõi và cổ vũ cho các đội thi qua sóng truyền hình trực tiếp VTV2, Fanpage Cuộc đua số và Báo điện tử Vnexpress.
Cuộc thi do Tập đoàn FPT phối với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức. Thông qua sân chơi công nghệ mang tầm vóc quốc tế này, FPT mong muốn góp phần xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. |
Tại trận chung kết Cuộc đua số Mùa 3, Ban tổ chức đã thiết kế sa hình có các cung đường đi từ các địa danh của Việt Nam, vượt qua nhiều quốc gia khác trên thế giới để đến điểm cuối cùng là Silicon Valley của Mỹ - nơi nhà vô địch của giải đua này sẽ được thăm quan, học hỏi, tìm hiểu công nghệ mới sau khi kết thúc cuộc thi. Các đội đã phải sáng tạo và ứng dụng các công nghệ mới nhất như xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo (AI)… để lập trình cho xe tự định vị tìm đường đi ngắn nhất, di chuyển trên cung đường bất kỳ và vượt qua các chướng ngại vật với tốc độ cao nhất.
Vòng thi thứ nhất có tên gọi Khám phá Việt Nam. Ở vòng này, mỗi đội thi có 3 phút để lập trình cho xe chạy theo lộ trình bắt buộc đã được cho trước qua 5 địa danh nổi tiếng của Việt Nam là Hà Nội, Hội An, Sơn Đoòng, Sa Pa, rừng Cúc Phương. Xe phải tự động tránh được các vật cản trên đường đua, vượt qua các thử thách mà ban tổ chức đã đưa ra như hầm, bóng râm, trên đường có tuyết, đường mất làn… Kết thúc vòng thi thứ nhất, bốn đội thi có kết quả tốt nhất là MTA – R4F củ Học viện Kỹ thuật Quân sự, LHU Thewalker - Đại học Lạc Hồng, Fast & Fiery - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và CDSNTU2 - Đại học Nha Trang đã được lựa chọn vào vòng 2.
Vòng thi đấu thứ hai có tên gọi Vươn ra thế giới. Tại vòng thi này, bốn đội thi được chia làm 2 cặp đấu đối kháng trực tiếp (Cặp 1: Học viện Kỹ thuật Quân sự và Đại học Nha Trang; Cặp 2: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Lạc Hồng). Ban tổ chức đưa ra 10 điểm đến (gồm Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Pháp, Nga, Australia, Ai Cập, Canada, Mỹ) và lựa chọn ngẫu nhiên các điểm mà xe cần phải đi qua để đến đích cuối cùng. Trong vòng 3 phút, bên cạnh phải việc vượt qua các chướng ngại vật và các cung đường đi phức tạp, xe tự hành của các đội còn phải tự tìm được đường đi ngắn nhất và di chuyển nhanh nhất để đến đích.
Kết thúc 2 trận đấu đối kháng, MTA – R4F của Học viện Kỹ thuật Quân sự và Fast & Fiery của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là hai đội thi hoàn thành vòng thi nhanh nhất đã thi đấu với nhau ở trận đấu cuối cùng. Cuộc đua diễn ra hết sức căng thẳng và kịch tính khi cả hai đội rượt đuổi nhau từng phút để về đích.
Cuối cùng, với chiến thuật ổn định và bản lĩnh vững vàng, đội MTA – R4F đã hoàn thành sớm nhất một vòng đua từ Việt Nam đến Silicon Valley của Mỹ với thời gian 52 giây để trở thành nhà vô địch Cuộc đua số Mùa 3. Đây là lần thứ 2 Học viện Kỹ thuật Quân sự có đội thi vô địch Cuộc đua số. Với chiến thắng này, đội MTA –R4F sẽ nhận được tổng giá trị phần thưởng là 1,2 tỷ đồng (trong đó có 01 chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ tiên tiến hàng đầu tại Mỹ trong thời gian 01 tuần, 15 triệu đồng tiền mặt, khóa học bổng Automotive trị giá 20 triệu/suất/mỗi thành viên và 01 suất học bổng Tiến sỹ về Ngành Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc nhất).
Không chỉ là sân chơi công nghệ dành cho sinh viên, Cuộc đua số còn truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực tự hành. Đã có nhiều câu lạc bộ nghiên cứu về robot, xe tự hành được hình thành tại các trường đại học (như CLB Xe Tự Hành tại Đại học FPT, CLB Comlap về xe tự hành của Đại học Lạc Hồng…). Một số trường đại học đã mạnh dạn đầu tư trang bị xe mô hình và tổ chức cuộc thi Cuộc đua số ở phạm vi cấp trường, giúp sinh viên nâng cao khả năng học tập, phát triển công nghệ mới như Đại học Thông tin liên lạc...
Phát biểu tại sự kiện, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT HĐQT FPT nhấn mạnh: “Thế giới hiện đang có 3 cuộc thi lập trình xe tự hành tương tự . Đó là cuộc thi do Audi tổ chức dành cho sinh viên tại Đức, Amazon dành cho các lập trình viên của Mỹ và của FPT dành cho sinh viên Việt Nam và quốc tế. Ngày hôm nay, Cuộc đua số đã trở thành sân chơi quốc tế. Việt Nam đã có một sân chơi công nghệ tiên phong và đẳng cấp toàn cầu. Nhà vô địch của cuộc thi này ngoài giải thưởng về vật chất và được trải nghiệm tại Mỹ, quan trọng hơn là các bạn có được học bổng để đảm bảo trở thành tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo để nâng cao hơn nữa trình độ của mình và đóng góp cho đất nước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các bạn sinh viên chiến thắng từ của cuộc thi này chỉ là một phần, quan trọng hơn cả là chúng ta đã chiến thắng về ý chí, khát vọng để đưa Việt Nam vươn lên”.
Tại Việt Nam, FPT là một trong số ít các doanh nghiệp công nghệ đã đầu tư lâu dài, bền bỉ để tạo sân chơi công nghệ cho giới trẻ, qua đó góp phần xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao cho Việt Nam. Trong suốt 20 năm qua, FPT luôn là doanh nghiệp đi đầu trong việc tổ chức nhiều cuộc thi công nghệ dành cho giới trẻ như Trí Tuệ Việt Nam (2000-2007), Mobile Lab (2008-2009), Mobile Robot Challenge (2013), S.M.A.C Challenge (2014-2015), Cuộc đua số (từ 2016 đến nay)...