Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 là chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội đồng tổ chức. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin về hội nghị diễn ra hôm nay (26/11).
Theo đại diện Ban Tổ chức, Hội nghị dự kiến thu hút hơn 2.000 lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, bao gồm các lãnh đạo Chính phủ, đại diện các Bộ, Ngành và nhiều diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực thông minh hóa đô thị, công nghệ và phát triển bền vững.
Với chủ đề "Đô thị Thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững", Hội nghị hướng đến việc đưa ra các giải pháp công nghệ và chiến lược quản lý giúp các thành phố hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ thông minh và bền vững cho cư dân; được định vị sẽ là điểm đến thường niên uy tín của các chuyên gia về thành phố thông minh trong khu vực và thế giới.
Là một sự kiện thường niên, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Thành phố thông minh (TPTM) đã trở thành chiến lược phát triển đô thị toàn cầu, với trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data)... để giải quyết các thách thức về quản lý đô thị, cải thiện tích cực điều kiện sống của dân cư, tăng mức độ hạnh phúc phát triển kinh tế, và bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia, thành phố thông minh không chỉ là mô hình phát triển đô thị mà còn là chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tại châu Á, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đã xây dựng những đô thị thông minh kiểu mẫu, tập trung vào ứng dụng công nghệ AI, IoT, và năng lượng tái tạo để giải quyết các vấn đề đô thị hóa và biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, chủ đề Đô thị thông minh cũng đã và đang được lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành quan tâm sát sao. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; với mục tiêu cụ thể đến 2030 sẽ “hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh".
Đến nay, 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh. Tuy các thành phố tại Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, vẫn tồn tại thách thức về tài chính, nguồn lực, và sự đồng bộ trong hạ tầng. Hội nghị lần này sẽ là dịp để chia sẻ kinh nghiệm từ các thành phố trong khu vực, đồng thời kết nối các nhà đầu tư và đối tác chiến lược để đưa ra các giải pháp phát triển đô thị thông minh bền vững.
Hội nghị được tổ chức gồm 8 phiên với toàn thể và các chuyên đề: Đô thị Thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững, TPTM - Quản trị, Điều hành thành phố linh hoạt dựa trên dữ liệu; Giải pháp, Hạ tầng, Nền tảng số thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững; Chiến lược công nghiệp bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội; Giải pháp công nghệ xuất sắc thúc đẩy thành phố xanh, thông minh; Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh phát triển bền vững; NetZero - Môi trường và Năng lượng hướng tới đô thị không phát thải 2050; Nhà thông minh cho sức khoẻ và tiện ích…
Trong khuôn khổ hội nghị, lễ trao Giải thưởng Thành phố thông minh, lễ trao Giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture) – Giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho các sinh viên và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day) sẽ được tổ chức. Triển lãm bên lề và các hoạt động kết nối giao thương sẽ được tổ chức.