Chương trình nhà phát triển ứng dụng của Huawei được công bố lần đầu tiên vào năm 2015.
Kể từ đó, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho biết họ đã hỗ trợ hơn 1,3 triệu nhà phát triển và 14.000 nhà cung cấp phần mềm độc lập trên toàn thế giới.
Phát biểu tại hội nghị Huawei Connect 2019, một sự kiện hàng đầu của công ty được tổ chức tại Thượng Hải, Phó Chủ tịch Ken Hu cho biết Huawei muốn mở rộng chương trình tới thêm năm triệu nhà phát triển.
Hãng cũng muốn giúp các đối tác, phát triển thế hệ tiếp theo của các ứng dụng và giải pháp thông minh.
[Huawei ra chip modem 5G, tự quảng cáo là mạnh nhất thế giới]
Huawei dự kiến sẽ tiết lộ thêm chi tiết về các bản cập nhật cho chương trình dành cho nhà phát triển của mình vào thứ Sáu 20/9.
"Tương lai của điện toán là một thị trường khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD," ông Hu nói trong một tuyên bố. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư."
Huawei cho biết khoản đầu tư 1,5 tỷ USD được công bố hôm thứ Tư không chỉ tập trung vào phần mềm và phần cứng của riêng hãng này mà còn hướng đến sự phát triển cho toàn ngành công nghiệp điện tử viễn thông.
Đây là một phần trong chiến lược điện toán rộng hơn của Huawei mà Hu đã công bố trước đây, bao gồm đầu tư vào nghiên cứu cơ bản xung quanh các sản phẩm của hãng để hỗ trợ các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.
Huawei cũng cho biết họ sẽ làm cho phần cứng và phần mềm của mình tiện dụng hơn với khách hàng và đối tác.
Quyết định đầu tư mạnh tay của Huawei vào việc phát triển hệ sinh thái ứng dụng và phần cứng của riêng mình phản ánh nỗ lực vượt qua cuộc "khủng hoảng sinh-tử" mà nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi nói với các nhân viên vào tháng 8, giữa lúc hãng bị Mỹ bao vây cấm vận.
Cũng trong tháng 8, hãng công nghệ Trung Quốc đã ra mắt hệ điều hành của riêng mình - HongmengOS, được gọi bằng tiếng Anh là HarmonyOS - có thể được sử dụng trên các thiết bị khác nhau, từ điện thoại thông minh đến loa và cảm biến thông minh.
Huawei cũng cho biết nếu công ty này không thể sử dụng hệ điều hành Android do Google vận hành cho các thiết bị của mình trong tương lai, họ có thể chuyển ngay sang HarmonyOS.
Huawei là công ty đầu tiên thử nghiệm và xây dựng phần mềm độc quyền của riêng mình cho điện thoại thông minh mà họ bán.
Trước đó, các hãng khác bao gồm Samsung và Microsoft, đã cố gắng tạo ra các hệ điều hành di động của riêng họ để cạnh tranh với hệ thống Android và iOS của Apple, nhưng gần như thất bại vì không thể quy tụ đủ nhà phát triển để xây dựng ứng dụng trên các nền tảng hệ điều hành này.