Kể từ các hạn chế vào năm 2019, Huawei đã buộc phải điều chỉnh phần mềm của mình cho phù hợp với tình hình mới, hoàn toàn bỏ qua khuôn khổ dịch vụ của Google để hình thành HarmonyOS - một phiên bản sửa đổi của Android với mã riêng và tương thích với các tệp .APK (mặc dù mã của nó đổi tên định dạng tệp sau này).
Giờ đây, theo Sound China Morning Post, Huawei muốn thực hiện bước đi xa hơn nữa. HarmonyOS Next là thế hệ kế nhiệm của HarmonyOS và là một phiên bản HarmonyOS "thuần túy" không có thư viện Android và thay thế các phiên bản hiện tại của nền tảng này.
Thời điểm ban đầu khi ra mắt HarmonyOS, Huawei tuyên bố đây không phải là Android. Mặc dù vậy, các nghiên cứu sau đó cho thấy hầu hết những gì có trên giao diện của hệ điều hành đều dựa trên Android và được đổi tên trong các gói tệp để ngụy trang thành của riêng chúng. Bản thân kho ứng dụng App Gallery là một kho lưu trữ các tệp .APK, giống hệt những tệp chúng ta có thể tìm thấy trên Android. Các API chính, chức năng hệ thống gốc… mọi thứ đều có "gốc gác" của Android.
Nhưng theo các nguồn tin Trung Quốc, một số công ty công nghệ lớn của nước này (JD.com, NetEase và Meituan) đang khuyến khích Huawei cắt đứt quan hệ với Android và thuê các nhà phát triển tạo ứng dụng riêng dựa trên HarmonyOS. Mục tiêu là phá vỡ mối quan hệ với Android và làm cho hệ thống trở nên độc lập 100%.
Kết quả là các nhà phát triển đã được Huawei mời tham dự một hội nghị để kiểm tra tính không tương thích của HarmonyOS Next với các tệp APK. Các nhà phát triển này khẳng định HarmonyOS Next do chính Huawei phát triển và chấm dứt việc sử dụng mã AOSP.
Sau hội nghị nhà phát triển vào tháng 8 vừa qua tại Trung Quốc, nơi HarmonyOS được giới thiệu phiên bản thứ tư, Huawei xác nhận quá trình phát triển các ứng dụng gốc đã hoàn tất, với định dạng .HAP là mặc định trong HarmonyOS.
Bản xem trước đầu tiên của HarmonyOS Next dự kiến sẽ được phát hành vào quý 1/2024, phiên bản mà hệ điều hành này sẽ không còn tương thích với các ứng dụng Android nữa - một động thái nhằm ngày càng rời xa hệ điều hành của Google và hướng tới một hệ sinh thái phát triển hoàn chỉnh ở Trung Quốc.