Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023: Nhiều bài toán cuộc sống được giao cho các startup

Tạp chí Nhịp sống số - Vingroup, Momo, FPT và các tập đoàn Nhật Bản đã đưa ra nhiều bài toán cuộc sống đầy thách thức cho các startup Việt Nam, Nhật Bản và Đông Nam Á...

Nhiều bài toán cuộc sống đã được đưa ra trong sự kiện công bố Chương trình “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023”, qua đó không chỉ "thử sức" các startup mà còn định hướng họ quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội, giúp cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn.  

Chương trình do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động “ASEAN - Japan Co-Creation Fast Track Initiative” do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khởi xướng.

Nhiều bài toán cuộc sống được giao cho các startup
Ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc NIC phát biểu tại sự kiện

Theo ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc NIC, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, chương trình đặt mục tiêu thu hút doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đến từ Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á cùng giải quyết các vấn đề cấp thiết mà các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang gặp phải. Ông Huy cũng cho rằng, sự hợp tác giữa doanh nghiệp sở hữu thách thức và doanh nghiệp đề xuất giải pháp giúp thúc đẩy trao đổi tri thức và là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm, giải pháp tới các khách hàng lớn tiềm năng.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội chia sẻ, thống kê của Phòng thương mại Nhật Bản cho thấy có hàng ngàn dự án đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam và hầu hết các công ty lớn của Nhật Bản đều có hoạt động kinh doanh tại đây. Doanh nghiệp Nhật hợp tác kinh doanh với các công ty công nghệ Việt Nam trong một số lĩnh vực nổi bật như phát triển ứng dụng, tự động hóa nhà máy và số hóa doanh nghiệp. “Trong bối cảnh thiếu hụt kỹ sư công nghệ tại Nhật Bản, chúng tôi đánh giá cao các công ty công nghệ của Việt Nam bởi họ chuyên nghiệp và đáng tin cậy”, ông Takeo Nakajima nói.

Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT lớn của Việt Nam cũng đã thâm nhập thị trường kinh doanh và ưu tiên tăng cường hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản.

Các tập đoàn lớn nêu thách thức cần giải

3 tập đoàn lớn của Việt Nam là Vingroup, FPT, MoMo cùng 3 tổ chức lớn của Nhật Bản gồm các tập đoàn: Tokyu, Money Forward và Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng đã công bố các thách thức cho các startup Việt Nam, Nhật Bản và các startup đến từ khu vực Đông Nam Á.

Nhiều bài toán cuộc sống được giao cho các startup
Bài toán từ lãnh đạo MoMo gửi các startup: xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính kỹ thuật số tiện ích và nhân văn hơn phục vụ người dùng

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập và Phó chủ tịch cấp cao Momo đề cập tới 3 thách thức đó là Tăng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân thông qua tín dụng cá nhân; Đổi mới trải nghiệm thanh toán cho người dùng đặc biệt là những người chậm áp dụng công nghệ kỹ thuật số; tích hợp hoạt động quyên góp và đóng góp xã hội vào hệ sinh thái dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Về phía FPT, Ông Lê Việt Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích & Nền tảng Dữ liệu, Tập đoàn FPT - FPT IS cho biết 2 thách thức đó là thúc đẩy giao dịch và quản lý minh bạch tín chỉ carbon bằng việc phát triển nền tảng giao dịch và quản lý tín chỉ; phát triển Trợ lý ảo hỗ trợ tra cứu thông tin pháp lý trong các Bộ, ban, ngành.

Trong khi đó, Đại diện của VinES (thành viên của Tập đoàn Vingroup) đã đưa ra thách thức là tối ưu hóa giá trị pin xe điện đã qua sử dụng. Ông Phan Quang Minh, Giám đốc Chiến lược, Tập đoàn Vingroup - VinES cho biết, hiện nay mỗi năm có tới 70% pin bị loại bỏ hoặc đưa vào tái chế khi dung lượng pin sụt giảm. Việc tối đa hóa sử dụng pin đã qua sử dụng sẽ giúp giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường cũng như giảm giá thành của xe điện.

“Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023” hướng tới kết nối các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Nhật Bản với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp sở hữu thách thức và doanh nghiệp đề xuất giải pháp giúp thúc đẩy trao đổi tri thức và làm tăng hiệu quả của việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hoạt động đổi mới sáng tạo mở ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm, giải pháp tới các khách hàng lớn tiềm năng. Đặc biệt, các sản phẩm, giải pháp xuất sắc sẽ có cơ hội được doanh nghiệp sở hữu thách thức hỗ trợ phát triển và đầu tư trong tương lai, hướng tới mở rộng thị trường và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.