![Tạp chí Nhịp sống số](https://nss.vn/nss-media//logo/nss.vn.png?v=1.1)
Trước nhu cầu AI tăng vọt, cuộc đua xây dựng và nâng cấp trung tâm dữ liệu tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động.
Các doanh nghiệp công nghệ nội địa như VNPT, Viettel, CMC, FPT và VNG đang tích cực mở rộng quy mô trung tâm dữ liệu. Trong đó, CMC đặt kế hoạch đầu tư tới 500 triệu USD vào các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác đến năm 2028.
Viettel cũng không nằm ngoài cuộc khi dự kiến triển khai 11 trung tâm dữ liệu quy mô lớn với tổng công suất hơn 350 MW, chiếm 40% tổng công suất cả nước. Đặc biệt, Viettel sẽ hợp tác với NVIDIA để phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu AI, tích hợp gần 800 siêu máy tính và 6.000 thẻ GPU.
![Làn sóng đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam](https://s-aicmscdn.nss.vn/thumb/w_1000/nss-media/25/2/14/lan-song-dau-tu-vao-trung-tam-du-lieu-tai-viet-nam_67af2ecc719bf.jpg)
Giám đốc điều hành Trung tâm dữ liệu Internet Viettel (IDC) Hoàng Văn Ngọc ước tính rằng để đáp ứng nhu cầu công nghệ của thị trường Việt Nam hiện tại với dân số 100 triệu người, bao gồm phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, quy mô trung tâm dữ liệu trong nước cần mở rộng gấp 15 lần so với công suất hiện tại.
Không chỉ có các doanh nghiệp trong nước, nhiều tập đoàn quốc tế như Amazon, Microsoft, Supermicro, ST Telemedia Global Data Centers, Google và Alibaba cũng đang bày tỏ thiện chí và tích cực rót vốn vào Việt Nam, khiến thị trường ngày càng sôi động.
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield, Việt Nam có lợi thế đáng kể trong đầu tư trung tâm dữ liệu với chi phí xây dựng trung bình 6,9 triệu USD/MW - thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ cao hơn Đài Loan (Trung Quốc). Con số này thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc (7,1 triệu USD), Thái Lan (7,6 triệu USD), Indonesia (8,7 triệu USD) và Malaysia (9 triệu USD).
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, nhận định với chi phí xây dựng hợp lý và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một trung tâm dữ liệu lớn trong khu vực.
Bên cạnh đó, thị trường ngày càng cởi mở với các khoản đầu tư nước ngoài và hàng loạt cải cách thủ tục hành chính đang tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Các ông lớn công nghệ hàng đầu như Apple, Intel, Canon, Samsung, LG, LEGO và Airbus đều đang bày tỏ sự quan tâm đối với thị trường Việt Nam.
Mặc dù thị trường trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng, nhưng vẫn đối mặt với một số trở ngại lớn. Một trong những vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung năng lượng. Ông Thomas Rooney – Phó Giám đốc Dịch vụ Công nghiệp tại Savills Hà Nội cho biết, các trung tâm dữ liệu AI tiêu tốn điện năng gấp 2-5 lần so với trung tâm dữ liệu thông thường. Việt Nam cần sớm triển khai kế hoạch nâng cấp và mở rộng lưới điện đồng thời phát triển các giải pháp năng lượng tái tạo để đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định cho hoạt động của các trung tâm dữ liệu quy mô lớn.
Bên cạnh đó, các rào cản về thủ tục pháp lý, quy trình cấp phép phức tạp và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu AI là những yếu tố Việt Nam cần nhìn nhận và khắc phục.
Mới đây nhất, Hà Nội đã chính thức khai trương Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Với công nghệ điện toán đám mây hiện đại, bảo mật đa lớp và tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật, Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội đang mang lại lợi ích cho chính quyền, người dân và cả doanh nghiệp.