Tham gia Ngày hội game Việt Nam 2023, nhiều “tên tuổi” của ngành game Việt Nam đã tham gia phần thảo luận chuyên đề xung quanh những rào cản và cơ hội của lĩnh vực này tại Việt Nam, cũng như cùng tìm giải pháp nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường game.
Nhận diện những thách thức lớn của ngành game Việt
Đánh giá về lợi thế và thách thức đối với các đơn vị làm game hiện nay, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhận định: Game là ngành có tính quốc tế, vì các doanh nghiệp hoạt động không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra quốc tế và kết nối với các doanh nghiệp (DN), studio game lớn trên thế giới. Các quốc gia có thị trường game phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… cũng đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đây được xem là một lợi thế của chúng ta.
Bên cạnh đó, nhân lực làm game của VN có năng lực tốt, chuyên môn lập trình tốt, chăm chỉ... và khá “toàn diện” - một lập trình viên Việt Nam thậm chí có thể tự làm sản phẩm từ A đến Z. Vì vậy, các start-up game ở VN rất thuận lợi để phát triển, chỉ cần một nhóm 2-3 người, có ý tưởng và kết nối được sự đầu tư là có thể phát triển được một game. Thực tế có nhiều game như vậy đã thành công.
“Nhưng hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa đi cùng nhau. Có thể thấy, trong 10 năm qua, ngành game chúng ta chọn cách đi một mình để đi nhanh, nên chỉ có 1 vài DN phát triển còn cộng đồng game thì không. Vì không đi cùng nhau nên ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Bộ đang cấp phép cho khoảng 200 DN game nhưng hiện tại thực sự hoạt động chỉ còn khoảng 30 DN, và 30 DN đó nếu ko có những sự hỗ trợ để vực dậy thì ngày càng “teo tóp” đi”, ông Lê Quang Tự Do nhận định.
Cũng theo phân tích này, vì không đi cùng nhau nên ko tận dụng được lợi thế của các bên, giữa những đơn vị phát triển game và phát hành game… Vì vậy, dẫn đến thực trạng là người Việt Nam hầu hết chơi game nước ngoài, còn DN Việt sản xuất game lại để phát hành ra nước ngoài
Bên cạnh đó, tham gia thảo luận, các diễn giả cũng nêu những vấn đề bất cập thuộc về chính sách quản lý đối với ngành game. Theo đó, sự phát triển của ngành game nói riêng và internet nói chung rất nhanh, rất mạnh nhưng chính sách thì chưa theo kịp. Ví dụ như các game blockchain, NFT chưa hề có chính sách, vì vậy nhiều DN game, nhất là các start-up nhỏ lựa chọn thành lập ở nước ngoài để hưởng các chính sách thí điểm hỗ trợ, dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám.
Mới đây nhất là việc Bộ Tài chính dự kiến áp thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với game online, Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính về vấn đề này, vì để thúc đẩy một lĩnh vực phát triển thì chúng ta phải nuôi dưỡng và đầu tư chứ ko phải tận thu”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.
DN game Việt muốn được cạnh tranh công bằng
Các chuyên gia đánh giá, một hội thảo như thế này được xem là cơ hội để DN game làm rõ hơn về hoạt động của mình, để các bên có thể hiểu rõ hơn về ngành game. Khi chúng ta làm rõ được các vấn đề, truyền thông rõ hơn để cơ quan quản lý nắm được rõ thực tế ngành game Việt thì có thể sẽ đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp hơn.
Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành Trò chơi Trực tuyến – Công ty Cổ phần VNG Games - cho biết: “Theo tôi, DN trong nước thực sự không ngại cạnh tranh. Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực và tiềm lực, kỹ năng và nguồn nhân lực để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài. Cái khó của chúng ta là sự bất bình đẳng. Một DN nước ngoài khi vào Việt Nam không chịu sự quản lý, kiểm duyệt về mặt nội dung, không đóng thuế, không làm bất cứ nghĩa vụ nào… trong khi các DN trong nước đang thực hiện đầy đủ. Đây là sự bất bình đẳng. Chúng tôi không ngại cạnh tranh mà chúng tôi cần được cạnh tranh công bằng”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thảo luận về nguồn nhân lực CNTT – một yếu tố rất quan trọng. Nếu chúng ta đã nhìn nhận game là một ngành, cộng với sự lan tỏa về mặt truyền thông, thì sẽ giúp thay đổi góc nhìn đối với game, giúp game được nhìn nhận là một ngành.
“Khi được công nhận là một ngành thì sẽ có nghề, và khi xác định là nghề thì các trường Đại học sẽ vào cuộc, chúng ta sẽ có nguồn lực. Khi một nghề ra đời thì nhiều nghề liên quan cũng sẽ được sinh ra ngay. Đây chính là lời giải bài toán về nguồn nhân lực, về nghề nghiệp”, các chuyên gia cho biết.
“Điều những DN game trong nước mong muốn nhất chính là làm sao thay đổi được góc nhìn của xã hội về ngành Game, về giá trị vốn có, những cống hiến, những thành quả mà ngành Game đã và đang mang lại cho nền kinh tế, văn hóa và của Việt Nam. Như các đại biểu khác đã chia sẻ, có ngành thì sẽ tạo nghề, từ nghề thì sẽ có nguồn nhân lực, có thị trường”, ông Lã Xuân Thắng nói.
Bộ TT&TT đang hợp tác chặt chẽ với các bên để hỗ trợ ngành GameChúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các bộ ngành khác để có những hỗ trợ ưu tiên phát triển ngành game. Đầu tiên là bỏ các loại thuế không hợp lý, thứ hai là có các chính sách thí điểm hỗ trợ như Sandbox. Và ý thứ ba, hiện nay Bộ đang làm - đó là trình Chính phủ Nghị định mới về quản lý game, trong đó kiến nghị bỏ các giấy phép, thủ tục hành chính rườm rà để các DN game thuận lợi hơn trong việc phát triển Có một hạn chế khách quan là sự gia tăng của game lậu, game xuyên biên giới, đặc biệt là khi game mobile phát triển thì việc cung cấp xuyên biên giới qua Google và Apple store dễ hơn bao giờ hết. Việc các game nước ngoài thu tiền của người chơi Việt Nam cũng ngày càng dễ. Với vấn đề này chúng tôi đang làm việc với Google và Apple để gỡ các game lậu và game không phép. Từ những hạn chế vừa nêu, Bộ TT&TT đang xây dựng chiến lược phát triển ngành game một cách bài bản, dài hơi... |