Nhà mạng tích cực phòng chống bão Yagi cùng người dân

Tạp chí Nhịp sống số - Để đối phó cùng siêu bão Yagi, hai nhà mạng lớn đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống trước bão cũng như tích cực khắc phục thiệt hại để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống

VNPT sẵn sàng nguồn lực cùng Hải Phòng, Quảng Ninh chống bão 

Đại diện VNPT cho biết, xác định bão Yagi là cơn bão rất mạnh, trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống bão: Kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu, nâng cao độ vững chắc cho các tuyến quang liên tỉnh; Điều chuyển bổ sung, bố trí đầy đủ vật tư dự phòng; Rà soát, kiểm tra các Phương án An toàn thông tin trên toàn mạng lưới; Gia cố nâng cao độ vững chắc nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai... Đặc biệt, VNPT cũng chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp với gần 1000 cán bộ kỹ thuật tại 63 Tỉnh/Tp, 225 xe ứng cứu thông tin, 623 máy nổ lưu động. 

Nhà mạng tích cực phòng chống bão Yagi cùng người dân

Tại hai địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh, toàn bộ CBCNV VNPT đều trực mạng lưới xử lý sự cố nhằm phục hồi sớm nhất có thể. Tập đoàn VNPT đã điều động gần 200 nhân lực kèm theo trang thiết bị hỗ trợ cho Quảng Ninh, Hải Phòng.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước bão, VNPT đã triển khai chạy máy phát điện và 20 xe phát sóng lưu động, nhờ vậy cơ bản khôi phục ngay, đảm bảo thông tin liên lạc mạng di động VinaPhone trong bão. Tại Quảng Ninh, dự kiến đến trưa nay (8/9), VNPT sẽ xử lý khôi phục hoàn toàn liên lạc trên địa bàn tỉnh.

Tại thành phố Hải Phòng, do điện lưới mất trên diện rộng, cây đổ và tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng nên việc xử lý khôi phục thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nhân vật lực. Nhưng với việc huy động hàng trăm CBCNV từ các đơn vị lân cận cùng toàn bộ của VNPT Hải Phòng tập trung xử lý sự cố, dự kiến cũng sẽ sớm khôi phục liên lạc trên địa bàn thành phố.

Viettel dồn tổng lực để tập trung ứng cứu thông tin sau bão Yagi

Viettel cho biết, đang dồn toàn bộ nguồn lực kỹ thuật tinh nhuệ nhất trên 63 tỉnh/thành phố để tập trung ứng cứu thông tin (UCTT) do ảnh hưởng của bão Yagi.

Theo đó, gần 500 đội UCTT được tăng cường cho các tỉnh, quân số kỹ thuật ứng cứu thông tin cho bão Yagi lên gần 8.000 người. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên nhằm khôi phục dịch vụ nhanh nhất cho khách hàng. 

Các đội chăm sóc khách hàng lưu động cũng lập tức ra quân để hỗ trợ các cá nhân và hộ gia đình bị gián đoạn thông tin. Gần 200 điểm sạc pin đã được chuẩn bị thiết bị và nguồn điện sẵn sàng phục vụ nhân dân 24/24h.

Nhà mạng tích cực phòng chống bão Yagi cùng người dân

Đối với những khách hàng sử dụng dịch vụ trả trước đã hết số dư được Viettel cung cấp 20.000 VND để tiêu dùng tạm thời, các khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau chưa thanh toán cước vẫn tiếp tục được duy trì liên lạc.

Trong thời gian khắc phục sự cố sau bão, người dân vùng bão được cộng thêm  30% giá trị thẻ nạp khi nạp qua nền tảng số. Khách hàng dùng dịch vụ cố định băng rộng bị sự cố sẽ được cho mượn thiết bị và dùng gói 0 đồng tạm thời.

Đến 5h sáng ngày 8/9, Viettel đã khắc phục 1.710 vị trí mất điện, khôi phục 25 link truyền dẫn, 5 vị trí đứt cáp trục, cáp nhánh.

Theo nhà mạng này, để ứng phó với bão Yagi, Viettel đã có  9 đoàn tiền phương với 52 nhân sự điều hành và hỗ trợ tại 9 tỉnh. Gần 1.000 nhân sự UCTT bổ sung từ các tỉnh (phân bổ thành: 126 đội UCTT nhà trạm BTS, tuyến cáp; 279 đội xử lý sự cố thuê bao băng rộng cố định; 16 đội sửa chữa máy phát điện đến hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bão và hoàn lưu).

Cùng đó, hơn 6.000 nhân sự sẵn sàng trực và triển khai ứng cứu thông tin tại các vị trí trạm BTS trước, trong và sau bão.

Đặc biệt, Viettel cũng dành 5 máy điện thoại vệ sinh sẵn sàng hỗ trợ Ban chỉ huy PCTT&TKCN và các đơn vị Quân đội trên địa bàn tỉnh/TP; 18 xe phát sóng cơ động sẵn sàng điều chuyển đi các tỉnh; 3 trạm thu phát chuyển tiếp, 18 máy bộ đàm bị cầm tay và 06 thiết bị đầu cuối đặt trên xe.

Viettel cũng đã chỉ đạo nhắn tin cảnh báo đến người dân về tình hình bão lũ đến hơn 23 triệu thuê bao di động tại 13 tỉnh; khuyến cáo tới 1,2 triệu khách hàng dịch vụ cố định băng rộng ở 8 tỉnh (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn) ngắt các thiết bị modem, đầu thu phát truyền hình được ngắt khỏi nguồn điện khi không sử dụng để đảm bảo an toàn.

Có thể bạn quan tâm