![Tạp chí Nhịp sống số](https://nss.vn/nss-media//logo/nss.vn.png?v=1.1)
5 bài báo khoa học thuộc nhóm Q1 (nhóm cao nhất trong xếp hạng khoa học toàn cầu) là một phần trong những thành tích đáng nể của sinh viên Nguyễn Thị Thu Hoài (K16 - Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học FPTP.
Tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học
Nguyễn Thị Thu Hoài, sinh viên chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, ngành Quản trị kinh doanh khóa 16 của Trường Đại học FPT.
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường, Thu Hoài đã nổi bật khi lọt Top10 SchoolRank, một minh chứng cho khả năng học tập nổi bật từ thời cấp 3. Không dừng lại ở việc đạt kết quả cao trong các kỳ học tại trường, Thu Hoài còn đạt nhiều giải thưởng lớn ở các cuộc thi học thuật như Top 4 cuộc thi I-CEE Student Case Competition - cuộc thi quốc tế tìm ra các giải pháp sáng tạo cho kinh doanh thực tế - được tổ chức bởi Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc).
![Nữ sinh viên có 5 bài báo khoa học trên tạp chí Q1](https://s-aicmscdn.nss.vn/thumb/w_1000/nss-media/25/2/10/nu-sinh-vien-co-5-bai-bao-khoa-hoc-tren-tap-chi-q1_67a9b20a912d6.jpg)
Bên cạnh các thành tích học thuật, Hoài còn là một sinh viên nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - một mảng được đánh giá là khô khan và đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian lẫn trí tuệ. Suốt 4 năm tại Trường Đại học FPT, Hoài cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã công bố 5 bài báo khoa học thuộc nhóm Q1 (nhóm cao nhất trong xếp hạng khoa học toàn cầu). Đây là những nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế mà Hoài được tham gia nghiên cứu, có thể kể đến những ví dụ tiêu biểu như: Income-Dependent Variations in Innovation Performance: Insights from Sustainable Economic Development Indicators, nghiên cứu về mối liên hệ giữa mức thu nhập và khả năng đổi mới, cung cấp những góc nhìn quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững (được xuất bản trên Tạp chí Journal of Open Innovation Technology Market and Complexity); Assessing Cybersecurity Risks and Prioritizing Top Strategies in Vietnam's Finance and Banking System Using Strategic Decision-Making Models-Based Neutrosophic Sets and Z Number, nghiên cứu về cách ứng dụng các mô hình ra quyết định để xác định rủi ro an ninh mạng và chiến lược tối ưu trong ngành tài chính - ngân hàng (xuất bản trên tạp chí IEEE Heliyon); hay Exploring Complexities of Innovation Capability in Vietnam's IT Firms: Insights from an Integrated MCDM Model-Based Grey Theory, đi sâu vào nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đổi mới của các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu (được xuất bản trên tạp chí Journal of Open Innovation Technology Market and Complexity).
Các nghiên cứu này không chỉ mang giá trị học thuật mà còn thúc đẩy đổi mới thông qua việc tiếp cận các phương pháp tiên tiến. Mỗi đề tài đều mở ra hướng đi mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho nhiều lĩnh vực kinh tế. Những bài nghiên cứu này không chỉ đánh dấu bước tiến lớn của Hoài trên hành trình học thuật mà còn mở ra cơ hội cho cô trình bày tại các hội nghị quốc tế uy tín như GCBSS 2023 (Thái Lan) và BAMS-ORSI 2024 (Ấn Độ).
Trong những chuyến tham dự hội nghị quốc tế, Hoài nhớ nhất là chuyến đi Mumbai (Ấn Độ) trong tháng 12/2024 để tham gia hội nghị BAMS-ORSI 2024.
![Nữ sinh viên có 5 bài báo khoa học trên tạp chí Q1](https://s-aicmscdn.nss.vn/thumb/w_1000/nss-media/25/2/10/nu-sinh-vien-co-5-bai-bao-khoa-hoc-tren-tap-chi-q1_67a9b2d4cc380.jpg)
Tại đây, Hoài cùng các thành viên trong nhóm trình bày đề tài “Innovative ESG Assessment in Vietnam's Logistics: Integrating DEA-MCDM and Fuzzy Sets” (Đánh giá ESG Sáng tạo trong Ngành Logistics tại Việt Nam: Tích hợp DEA-MCDM và tập mờ). Đây là nghiên cứu về đánh giá các yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị) trong ngành logistics tại Việt Nam để giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế.
Điều khiến Hoài tự hào nhất trong hội nghị BAMS-ORSI 2024 chính là cô và toàn bộ thành viên trong nhóm là những sinh viên duy nhất có đề tài báo cáo tại hội nghị. “Em và các bạn cũng là những người Việt Nam duy nhất trong hội nghị, điều đó càng khiến cho tinh thần dân tộc được đẩy lên cao nhất để có những màn thể hiện ấn tượng trước hội đồng khoa học quốc tế”, Hoài bộc bạch.
Những "bài toán" từ giảng đường ra cuộc sống
Nói về hành trình của mình, Hoài cho biết, con đường nghiên cứu không hề dễ dàng, đặc biệt là khi phải xử lý khối lượng dữ liệu phức tạp và tiếp cận các mô hình phân tích tiên tiến để có thể hoàn thành các phần nghiên cứu. Tuy nhiên, những khó khăn đó cũng chính là cơ hội rèn luyện.
“Nghiên cứu khoa học không chỉ dạy em cách tư duy mà còn giúp em học cách kiên nhẫn và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt”, Hoài tâm sự.
Đặc biệt, vai trò của người thày, người chỉ lối dẫn đường là vô cùng quan trọng trên hành trình này. Hoài luôn nhắc đến TS. Nguyễn Phi Hùng - giảng viên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học FPT - người thầy hướng dẫn tận tâm đã truyền cảm hứng để cô bước chân vào con đường nghiên cứu.
“Thày Hùng luôn nhắc nhở em rằng nghiên cứu khoa học không chỉ là để đạt thành tích, mà còn để tạo ra giá trị thực tiễn cho cộng đồng. Những bài học từ thày sẽ luôn là kim chỉ nam giúp em tiếp tục đam mê này”, Hoài chia sẻ với sự biết ơn sâu sắc.
Thu Hoài chia sẻ thêm hành trình nghiên cứu khoa học của cô cũng luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ phía Trường Đại học FPT. Trường cung cấp các bộ công cụ hiện đại để giúp Hoài cùng các bạn trong nhóm tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu trên nền tảng số, giúp cô tiếp cận kho tài liệu khoa học phong phú, từ đó nâng cao chất lượng trong mỗi đề tài. Đặc biệt, đối với các bài nghiên cứu khoa học được xuất bản, Hoài và các bạn cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ nhà trường, tạo điều kiện để phát triển các dự án tiếp theo thuận lợi.
Trong hành trình nghiên cứu khoa học của mình, Hoài đặc biệt quan tâm đến các vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế có tính thực tiễn, thời sự và có khả năng ảnh hưởng lớn đến xã hội. Một trong những công trình nổi bật của cô là đề tài “Income-Dependent Variations in Innovation Performance: Insights from Sustainable Economic Development Indicators”, đi sâu vào phân tích mối liên hệ giữa mức thu nhập và khả năng đổi mới của các quốc gia – một nghiên cứu cung cấp những góc nhìn giá trị cho các nhà hoạch định chính sách.
Có thể tin rằng, những tích lũy từ các đề tài nghiên cứu sẽ là "vốn liếng" dày dặn để bạn trẻ này tự tin bước vào thị trường lao động, tìm ra được những lời giải hiệu quả cho các bài học từ giảng đường ra cuộc sống!