Trong lĩnh vực sản xuất smartphone Trung Quốc, top 5 tạm thời định vị 5 cái tên: Huawei, Vivo, Oppo, Xiaomi và Apple. Samsung đã "rớt đài" khỏi danh sách này, cùng với những khó khăn chồng chất phải đối mặt: các sản phẩm từ những model điện thoại di động khác cho đến máy giặt của công ty cũng phát nổ.
Những bước thụt lùi của Samsung tại thị trường Trung Quốc
Cách đây chỉ 3 năm, Samsung là ông vua ở Trung Quốc. Chiếm 17,3% thị phần nước này năm 2013, vượt lên trước cả các tên tuổi trong nước và nước ngoài, Samsung luôn là lựa chọn hàng đầu của những người sử dụng Android ở thị trường mà có tới 95% người sử dụng dùng Android.
Nhưng sau đó Xiaomi đã nổi lên. Chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi ra đời năm 2011 và chỉ vài năm sau, quy mô của công ty đã đủ lớn để bắt kịp với các tên tuổi lâu năm khác. Năm 2013, Xiaomi sở hữu 5% thị phần smartphone, nhưng tới năm 2014, con số này đã nhảy vọt lên 12,5%. Dường như Xiaomi lúc đó đã đánh cắp người sử dụng trực tiếp từ Samsung.
Khi thị phần của Xiaomi tăng lên 7% thì cũng là lúc thị phần của Samsung tụt 6%. Các ông lớn khác như Lenovo, Huawei và Coolpad vẫn giữ nguyên thị phần. Kết quả cuối cùng đó là Xiaomi vượt lên trên Samsung, đẩy công ty này xuống vị trí thứ 2 với 12% thị phần.
Samsung phải căng mình đối phó với nhiều đối thủ từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp: Xiaomi, Huawei, Apple. Bỗng nhiên Samsung vướng phải một vấn đề rất lớn: các công ty trong nước với những sản phẩm “giá rẻ chất lượng cao cấp” khiến khách hàng của Samsung cũng phải ngã lòng vì thông số và mức giá đến khó tin.
"Thảm họa" Note 7
Việc Note 7 phát nổ và phải thu hồi trên toàn cầu không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của hãng trên toàn cầu mà còn tác động trực tiếp lên doanh thu, cộng với 1 tỷ USD tiền thu hồi 2,5 triệu chiếc Note 7 đã được bán ra.
Trong tình cảnh thê thảm đó, Samsung chỉ còn một tia hy vọng cuối cùng đó là Trung Quốc, bởi theo tuyên bố của Samsung, những chiếc Note 7 sản xuất tại Trung Quốc với phần pin được sản xuất bởi nhà cung cấp Trung Quốc Amperex Technology thì không bị ảnh hưởng.
Nhưng thật không may cho Samsung, người Trung Quốc đã “đoạn tuyệt” với Note 7. Pin của sản phẩm này có do nhà sản xuất nào cung cấp đi nữa, thì người tiêu dùng cũng chẳng mua nó nữa.
Hơn thế, theo các báo cáo mới đây, một số sản phẩm Note 7 tại Trung Quốc đã phát nổ. Mỗi một câu chuyện đều được đăng kèm với những hình ảnh chiếc Note 7 nổ tan tành và kéo theo hàng trăm, hàng ngàn lời bình luận chỉ trích công ty vì đã không chịu thu hồi những sản phẩm này tại Trung Quốc.
Thiệt hại với Samsung thậm chí sẽ còn nặng nề hơn nhiều so với việc hãng này quyết tâm thu hồi Note 7 ngày từ đầu. Thu hồi một chiếc smartphone là rất tốn kém, nhưng rất khó để đưa ra một cái giá tương xứng cho những thiệt hại về thương hiệu Samsung tại Trung Quốc khi cái tên Samsung liên tục bị réo trên bản tin kèm theo tai tiếng.
Hậu quả về lâu về dài sẽ còn khốc liệt hơn nhiều. Theo những kết quả khảo sát ban đầu, người tiêu dùng Trung Quốc đã mất lòng tin vào Samsung và sẽ đổi các thiết bị của Samsung lấy những sản phẩm của Apple hoặc Huawei tùy theo lựa chọn.
Tin về việc máy giặt của Samsung phát nổ cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa khi Samsung đang "vờ như điếc". Công ty này vẫn nhắc đi nhắc lại điệp khúc rằng những chiếc điện thoại tại Trung Quốc là an toàn và đang làm việc với những nhà điều tra độc lập để xử lý các thông báo cháy nổ. Thế nhưng người dân Trung Quốc thì lập luận rằng an toàn là ưu tiên hàng đầu chứ không phải là tranh luận.