Đại diện SAP cho biết: Sự hợp tác giữa SAP và Microsoft nhằm trang bị cho giới trẻ những kỹ năng số để phát triển trong kỷ nguyên CMCN 4.0 và môi trường lao động tương lai cũng phù hợp với mục tiêu để kinh tế số đóng góp 20% GDP của Việt Nam vào năm 2025.
Sáng kiến này là một phần trong mục tiêu chiến lược của SAP nhằm cung cấp cho giới trẻ các kỹ năng cần thiết để phát triển trong nền kinh tế, đồng thời là yếu tố then chốt trong tầm nhìn của SAP nhằm giúp cải thiện cuộc sống của mọi người. Nó cũng phù hợp với sứ mệnh của Microsoft nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số.
Chương trình này sẽ giúp các bạn trẻ được tiếp cận các thiết bị CNTT và hỗ trợ các cộng đồng thiểu số tiếp cận với công nghệ số từ bé, giúp họ hòa nhập trong cộng đồng ASEAN, nơi mà không ai sẽ bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên CMCN 4.0.
Tổng cộng có 44 bộ máy tính xách tay, máy trạm và màn hình đã được trao tặng các trường từ mẫu giáo đến trung học tại xã Lũng Sui (tỉnh Lào Cai). Cùng với VietNet ICT - một tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam, các thiết bị này đã được cài sẵn Windows 10 và Microsoft Office 2019. Các thiết bị này sẽ giúp tăng cường các tiết học CNTT trong trường và cho phép các em học sinh sử dụng các thiết bị công nghệ một cách nhuần nhuyễn hơn.
SAP và Microsoft cũng đã đồng tổ chức một khóa học lập trình Minecraft: Voyage Aquour - đưa người học vào một cuộc phiêu lưu dưới nước để tìm kho báu và thử lập trình để giải các câu đố chỉ trong một giờ; Voyage Aquatic khuyến khích các em học sinh suy nghĩ sáng tạo, thử các giải pháp lập trình khác nhau và áp dụng những gì các em học được trong thế giới Minecraft bí ẩn.
Với các thiết bị số mới, SAP và Microsoft đặt mục tiêu cải thiện giáo dục, kỹ năng sống và cung cấp những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho các em học sinh ở vùng sâu vùng xa, giúp các em sẵn sàng cho những cơ hội việc làm tốt và trở thành những công dân tích cực trong tương lai.
Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, có tới 56% việc làm tại 5 quốc gia ASEAN (bao gồm Việt Nam) có nguy cơ biến mất. Dựa trên tỷ lệ phân bổ việc làm theo trình độ tay nghề tại Việt Nam hiện nay, có tới 89% việc làm trong nước là dành cho các công việc có trình độ từ thấp đến trung bình (36% tay nghề thấp, 53% tay nghề trung bình). Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là tương đối thấp, chất lượng việc làm lại là một thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, việc phát triển kỹ năng và tay nghề cho giới trẻ sẽ là chìa khóa để ứng phó với những tác động của làn sóng tự động hóa.
Bà Josephin Galla, Tổng giám đốc SAP Việt Nam cho biết: “Chuyển đổi số cần sự phối hợp nhuần nhuyễn của 3 trụ cột chính, đó là Con người, Nền tảng và Chính sách. Trong khi chính phủ Việt Nam đang phát triển những chính sách nhằm đẩy mạnh việc xây dựng quốc gia CMCN 4.0, và các công ty công nghệ như SAP đang nỗ lực cung cấp nền tảng cần thiết - chúng ta cần tập trung vào yếu tố con người và trang bị cho giới trẻ những kỹ năng số cần thiết. Ngay cả những người lao động chân tay cũng sẽ cần phải dần dần làm quen với máy tính và nắm bắt dữ liệu để đưa ra những quyết định sáng suốt. Với sự đóng góp này, chúng tôi đang tiến thêm một bước trong việc sẽ sát cánh cùng các cộng đồng địa phương thông qua giáo dục công nghệ”.