Phát biểu tại tại tổ khi thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) ngày 10/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hiện đang có 3 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trong đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc đưa các dịch vụ này vào dự thảo luật ở mức độ phù hợp, đảm bảo khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Ranh giới giữa CNTT và Viễn thông rất khó phân biệt
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm Luật Viễn thông năm 2009 tập trung điều chỉnh hoạt động kinh doanh viễn thông, còn ở dự thảo luật sửa đổi, ngay trong Điều 1 đã điều chỉnh thành hoạt động viễn thông. Nếu nói hoạt động viễn thông sẽ rộng hơn rất nhiều so với kinh doanh viễn thông. Kinh doanh viễn thông chỉ là một nội hàm của hoạt động viễn thông.
Điều 3 của dự án luật cũng giải thích từ ngữ "hoạt động viễn thông" bao gồm hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, hàng hoá viễn thông, hoạt động viễn thông công ích, kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông…
Tuy nhiên, "dường như lần sửa đổi này vẫn nặng việc điều chỉnh kinh doanh viễn thông như luật 2009". Chủ tịch Quốc hội nhận xét và cho biết, mong muốn của Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến thiết kế xây dựng luật này phải mở rộng các đối tượng, trong đó có các quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được bảo đảm an toàn viễn thông (bao gồm cả phía đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng dịch vụ viễn thông), vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông; nghiên cứu triển khai hoạt động viễn thông… chứ không chỉ hoạt động kinh doanh viễn thông thuần túy.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng thế giới ngày nay là sự kết hợp, giao thoa và hội tụ rất lớn giữa các lĩnh vực với nhau. Ranh giới giữa công nghệ thông tin và viễn thông hiện nay rất khó phân biệt…
Do đó, dự thảo luật bên cạnh việc thuyết minh rõ ràng phạm vi điều chỉnh của hoạt động viễn thông, dự án luật này cũng cần phân tích kỹ bối cảnh xây dựng chính sách, phân tích Luật Viễn thông chính sách, tác động của dự án luật, lợi ích quốc gia, lợi ích của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp của các thành phần kinh tế thuộc đối tượng áp dụng của luật này. Bởi dự án luật này liên quan đến vấn đề xuyên biên giới nên nước ngoài sẽ rất quan tâm.
Luật Viễn thông liên quan đến nhiều luật khác nhau và liên quan đến rất nhiều điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, có 5 nhóm cam kết quốc tế cần phải được rà soát như: cam kết về mở cửa thị trường; cam kết về thể chế, môi trường kinh doanh viễn thông; cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế nói chung; cam kết các quy định về thủ tục tại các diễn đàn, tổ chức chuyên môn và cam kết về các khái niệm trong lĩnh vực viễn thông được định nghĩa trong các điều ước quốc tế.
Điều này yêu cầu khi xây dựng luật phải bảo đảm có những quy định bắt buộc để thực hiện các cam kết quốc tế; đồng thời phải bảo đảm không có những quy định trái ngược, đi ngược với các cam kết quốc tế, nếu có sẽ thuộc trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng hoặc có lộ trình…
Ba luồng quan điểm trong quản lý dịch vụ OTT
Về nội dung, so với luật hiện hành năm 2009 dự thảo luật này đã bổ sung đề cập 3 vấn đề lớn đó là trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (dịch vụ OTT), Chủ tịch Quốc hội lưu ý hiện vẫn còn các quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng các dịch vụ nói trên không phải dịch vụ viễn thông, hoạt động viễn thông nên đưa vào luật là không phù hợp. Nếu quy định trong luật có thể sẽ không phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển chung.
Quan điểm thứ 2 cho rằng trong xu thế phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay, có sự giao thoa hội tụ công nghệ thông tin và viễn thông, tạo ra vô số ứng dụng và trong nhiều trường hợp không thể phân định rạch ròi. Đặc biệt, các dịch vụ điện toán đám mây, OTT, dữ liệu đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, đời sống xã hội, quyền lợi của cá nhân, tổ chức…Do đó, việc bổ sung các dịch vụ này vào luật quy định là cần thiết để bảo đảm an ninh lợi ích quốc gia và của người dùng.
Quan điểm thứ 3, đồng ý đưa vào luật quy định những dịch vụ mới này nhưng không phải tất cả mà chỉ mức độ nhất định. Các ý kiến này đề nghị cân nhắc đưa 3 dịch vụ này vào dự thảo luật ở mức độ phù hợp, đảm bảo khuyết khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Cùng với đó nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này để quy định cụ thể về trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, OTT, về cấp độ quản lý và điều kiện quản lý. Quy định nhưng cần có độ mở, linh hoạt. Chủ tịch Quốc hội nói, và cho biết, cá nhân ông và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng quan điểm thứ 3 này.
Thảo luận về dự thảo luật này, các đại biểu tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ số. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với các loại hình dịch vụ mới theo hướng mở, mang tính nguyên tắc.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, phân tích, làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh; báo cáo với Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy tác dụng cộng hưởng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Đại biểu Vương Quốc Thắng (tỉnh Quảng Nam) cho rằng việc siết chặt quản lý là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng rõ ràng, các dịch vụ mới được sử dụng phổ biến, nhưng chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành. Do đó, cần phải có các chế tài quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ một cách an toàn, an ninh.
Mục tiêu quản lý là khuyến khích dịch vụ mới phát triển, khuyến khích không có nghĩa là không quản lý, mà là quản lý ở mức độ phù hợp, để vẫn tạo ra môi trường thuận lợi cho các dịch vụ này phát triển, xem xét đánh giá kỹ tác động của chính sách.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm để thể hiện rõ mức độ quản lý phù hợp, đưa ra các quy định hợp lý như: quản lý thế nào khi các dịch vụ này có tính xuyên biên giới, hình thức nào để không ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài...