Tập thể cũ Hà Nội: Chuyện người ở, người đi

Tập thể cũ Hà Nội: Chuyện người ở, người đi
Tạp chí Nhịp sống số - Trong khi những người đã ở tập thể hàng chục năm chưa thể chuyển đi vì đủ lý do thì nhiều người trẻ lại tìm đến vì rẻ và cảm giác yên bình giữa lòng phố.

Từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, Hà Nội bắt đầu xây dựng hàng loạt các khu tập thể để phục vụ người dân, cán bộ sinh sống trên địa bàn. Từ đó tới những năm 1990, đã có hơn 1.500 nhà tập thể được xây dựng.

Điểm chung của những chung cư này là hiện nay đều đã cũ hoặc xuống cấp nghiêm trọng.

Mọi mặt thoáng đều được lắp chuồng cọp, hành lang hẹp, cầu thang tối trở thành “đặc sản” ai cũng có thể nghĩ tới khi nhắc đến các khu tập thể.

Không được cải tạo, trong khi nhiều gia đình vẫn duy trì sinh hoạt của nhiều thế hệ, không gian tổng thể ngày càng trở nên chật chội. Có góc cầu thang cũ cũng có thể được cải tạo thành một phòng riêng.

Ban đầu phần đông các chung cư, tập thể đều được thiết kế với đủ chức năng, các tiện ích cơ bản cho người dân, nhưng qua thời gian, việc xuống cấp khiến cho nhiều trang bị không thể sử dụng được, trong khi những cải tạo mới dần trở nên chắp vá.

Bên ngoài, hệ thống điện được lắp đặt chằng chịt, ẩn chứa nguy cơ mất an toàn. Còn phần tường rào cũng được gia cố bằng mảnh chai.

Thế nhưng sau sự xuống cấp, thiếu thốn này, các khu tập thể, chung cư cũ vẫn là nơi sinh sống của nhiều thế hệ, thậm chí nhiều người trẻ cũng lựa chọn.

Tại những khu vực Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Hà, Ngọc Khánh… vẫn còn đó những khu tập thể được xây dựng từ những năm 50-60 của thế kỷ trước và đến nay vẫn là nơi trú ngụ của hàng ngàn người - họ chủ yếu là những cán bộ, công nhân viên chức thuộc những cơ quan, xí nghiệp... đã về hưu.

Cô Cúc – người dân sinh sống tại chung cư Ngọc Hà chia sẻ “Gia đình tôi mong muốn được chuyển đi từ cách đây 2 năm rồi nhưng vẫn chưa tìm được nơi phù hợp với hoàn cảnh gia đình”.

Trước đây, Chủ tịch TP.Hà Nội từng ví von “cải tạo các chung cư cũ như húc đầu vào đá”, các doanh nghiệp từng có ý định tham gia vào chương trình cải tạo, xây mới các khu tập thể cũ ngao ngán vì không thể thỏa thuận được với cư dân về quyền lợi thì vẫn xuất hiện một thị trường mua bán các căn hộ tập thể cũ. Thực tế, nhiều gia đình không đủ điều kiện kinh tế không muốn chuyển tới các khu nhà tái định cư được chủ đầu tư trả lại cho người dân vì thiếu tiện ích, xa trung tâm. Còn yêu cầu các gia đình này trả thêm tiền để ở lại nhưng có căn hộ mới với diện tích rộng hơn, nhiều trang bị hơn cũng là việc khó. 

Ngược lại với những người sống hàng chục năm ở các tập thể, vẫn có những người trẻ tìm đến các chung cư cũ.

Chấp nhận chỗ gửi xe bất tiện, một số trang bị trong căn hộ đã có sự cố như đường thoát nước, anh Minh vẫn chọn một căn phòng tập thể cũ là nơi sinh hoạt. Lý do là tiền thuê căn hộ của anh khá thấp. Diện tích rộng, vị trí gần trung tâm, tiện cho công việc, giá mua chỉ bằng 2/3 tiền căn hộ chung cư ở xa, nhiều gia đình trẻ vẫn muốn tiếp tục ở lại các căn hộ tập thể này. Thậm chí họ còn sẵn sàng chờ đến khi khu nhà của họ được cải tạo để có được căn nhà tốt hơn. 

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội giao các sở, ngành, UBND quận đề xuất kế hoạch tổ chức lập các đồ án quy hoạch và cải tạo lại hiện trạng các khu chung cư xuống cấp. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sinh sống tại đó. Nhiều khu vực, các chung cư cũ đã được cải tạo, xây mới, nhưng ngay bên cạnh vẫn còn những tòa nhà "chỉ chờ đến ngày đổ".

Có thể bạn quan tâm