Hàng loạt dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo mới vừa được Tencent giới thiệu tại sự kiện Global Digital Ecosystem Summit (tạm dịch: Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Hệ sinh thái Kỹ thuật số – GDES), diễn ra ngày 5 - 6/9 tại Thâm Quyến, Trung Quốc.
Đáp ứng nhu cầu mở rộng tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp
Theo ông Dowson Tong - Phó Chủ tịch cấp cao của Tencent kiêm CEO mảng Đám mây và Công nghiệp Thông minh (Cloud and Smart Industries Group, CSIG) của Tencent, các doanh nghiệp đang có nhu cầu ngày càng cao về mở rộng khả năng tăng trưởng.
"Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đột phá mô hình kinh doanh. Thông qua khai thác số hoá nhằm tăng năng suất, vốn hoá các xu hướng mới, và mở rộng quy mô trên toàn cầu, doanh nghiệp có thể bứt phá, đạt tầm cao mới về tăng trưởng và sáng tạo", Dowson Tong nói.
Tại sự kiện, Tencent đã giới thiệu một số bản nâng cấp chuỗi sản phẩm nhằm hỗ trợ mục tiêu AI và số hoá của các đối tác cũng như doanh nghiệp, trong đó có “AI Infra” - bộ giải pháp điện toán, lưu trữ và mạng hoàn chỉnh, được thiết kế để tối ưu hoá cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp áp dụng phát triển và đào tạo mô hình lớn.
Cùng đó là dịch vụ mô hình Tencent Hunyuan Turbo dựa trên kiến trúc Hỗn hợp Chuyên gia (Mixture of Experts – MoE), tăng gấp đôi hiệu năng đào tạo và giảm 50% chi phí suy luận.
Hiện tại, Trợ lý Lập trình AI của Tencent Cloud tích hợp mô hình nền tảng Hunyuan (Hỗn nguyên) đang được hơn 50% số lập trình viên của Tencent sử dụng, giúp nâng cao năng suất đến 40%. Ngoài ra, Tencent Meeting cũng được trang bị thêm nhiều tính năng như record thông minh (intelligent recording), trợ lý AI, biên dịch đa ngôn ngữ và nhiều chức năng khác, hỗ trợ trên 15 triệu người sử dụng mỗi tháng.
Mở rộng hệ sinh thái toàn cầu
Tại thị trường quốc tế, Tencent Cloud đang mở rộng quy mô đầu tư và tài nguyên nhằm hợp tác với khách hàng cũng như đối tác để thực hiện sứ mệnh ‘Sáng tạo, Kết nối, Toàn cầu hoá’.
Song song với việc giới thiệu chuỗi sản phẩm, dịch vụ AI và huấn luyện mô hình mới ở thị trường Trung Quốc, Tencent Cloud International còn trình làng công nghệ Palm Verification mang tính đột phá và một dự án hệ sinh thái đi kèm cho thị trường quốc tế nhằm thúc đẩy triển khai áp dụng công nghệ nhận dạng an toàn được AI hỗ trợ.
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hệ sinh thái đối tác và khách hàng toàn cầu, Tencent Cloud thiết lập một mạng lưới 9 trung tâm đặt tại Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Đức, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật 24/7.
Cũng tại sự kiện, tập đoàn cũng giới thiệu một số sản phẩm sử dụng công nghệ AI cho thị trường quốc tế, bao gồm Nền tảng Động cơ Kiến thức, Con người Kỹ thuật số, e-KYC và nhiều sản phẩm khác nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp trong kỷ nguyên AI.
Với việc trình làng các dịch vụ AI mới này, mảng kinh doanh quốc tế của Tencent Cloud được xác định sẽ tiếp tục tăng trưởng ra khỏi phạm vi 10.000 doanh nghiệp trong 30 ngành nghề ở hơn 80 thị trường.
Ba năm gần đây Tencent Cloud đạt mức tăng trưởng đều đặn hai chữ số trên thị trường quốc tế, hiện diện mạnh mẽ tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Trung Đông, trong đó khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng mỗi năm trên 50% so với năm trước.
Tencent Cloud cũng có bảng thành tích ấn tượng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô ra toàn cầu, đã và đang giúp nhiều công ty trong danh sách Fortune 500, trong đó có AstraZeneca, Mercedes-Benz, Toyota, và Walmart Trung Quốc mở rộng quy mô thành công tại Trung Quốc đại lục cũng như trên toàn thế giới.
Cũng tại sự kiện, Tencent Cloud International công bố mối quan hệ hợp tác quan trọng với nhiều công ty như Aladdin Cybersecurity, Avatara, MFEC Public Company, Siemens, S.M.A.R.T Entrepreneurship Club, UnionCloud, và nhiều doanh nghiệp khác nhằm khám phá cơ hội mới trong ngành AI, nhất là ở giải pháp Con người Kỹ thuật số.