Trong báo cáo tổng hợp các yếu tố quan trọng tác động đến hành vi tiêu dùng mùa mua sắm, TikTok nhận định: Chuyển đổi số, sự lên ngôi của video dạng ngắn và nhu cầu giải trí gia tăng của người tiêu dùng là 3 yếu tố sẽ tái định hình Mùa Siêu mua sắm trong năm 2021.
TikTok nhận định: tại Việt Nam, Mùa Siêu mua sắm (Mega Sales) được coi là cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng, diễn ra vào các dịp cụ thể như 9.9, 10.10, 11.11, 12.12 hay mùa lễ hội cuối năm.
Để gia tăng doanh thu ngắn hạn trong các sự kiện này, cũng như có kế hoạch kinh doanh dài hơi, các thương hiệu có thể tham khảo những dữ liệu và dự đoán xu hướng thị trường từ nghiên cứu của TikTok và các đối tác.
Qua đó, lập kế hoạch chiến lược tiếp thị và bán hàng, kích thích nhu cầu mua sắm của người dùng và tạo được dấu ấn thương hiệu trong dịp Mega Sales sắp tới.
83% người dùng thích xem quảng cáo dưới định dạng video
Theo TikTok, video dạng ngắn đã và đang trở thành kênh truyền thông nổi bật để tạo dựng niềm tin và tác động đến hành vi mua sắm của người dùng.
Trước đó, một nghiên cứu của Neilsen cũng chỉ ra: 83% người dùng thích xem quảng cáo dưới định dạng video hơn ảnh GIF hoặc văn bản. Nhờ quá trình chuyển đổi số và sự ưa chuộng của người tiêu dùng, video dạng ngắn đang là định dạng được nhiều thương hiệu lựa chọn để tiếp cận và thu hút khách hàng.
Đồng thời, hành vi mua sắm của người dùng đã có sự thay đổi rõ rệt, họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn, cũng "cởi mở" hơn với những thương hiệu mới. Theo khảo sát được TikTok thực hiện vào tháng 3/2021 với hơn 1.800 người dùng Đông Nam Á, 82% cho biết đã mua sản phẩm từ nhãn hàng họ ít khi sử dụng trong các đợt mua sắm lớn. Vì thế, các thương hiệu nhỏ và mới nên tận dụng những ngày hội mua sắm lớn để đẩy mạnh tiếp thị bởi đây là thời điểm người dùng sẵn sàng khám phá và trải nghiệm nhãn hàng mới.
Đáng chú ý hơn, 55% người dùng đã đưa ra các quyết định mua hàng nằm ngoài kế hoạch. Theo đó, TikTok ghi nhận trong các đợt Mùa Siêu mua sắm, người dùng chi tiêu nhiều hơn ở tất cả các danh mục hàng hoá. Đây chính là cơ hội tốt để thương hiệu tiếp cận khách hàng mới.
Người dùng chuộng các hình thức mua sắm kết hợp giải trí
Xu hướng Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể.
Dưới tác động của Covid-19, người dùng hạn chế di chuyển và phải trì hoãn nhiều kế hoạch. Vì vậy, với nhiều người, mua sắm đã trở thành hoạt động giải trí tại nhà. Theo kết quả khảo sát của TikTok, cứ 3 người thì có 1 người nói rằng họ muốn mua sắm và việc mua sắm khiến họ cảm thấy vui vẻ.
Nắm bắt điều này, TikTok cho biết nền tảng này tập trung vào việc tạo ra các trải nghiệm mua sắm sáng tạo và thú vị, từ đó giúp doanh nghiệp kết nối với người dùng.
Thông qua một loạt tính năng tiếp thị như Branded Effect, Hashtag Challenge và TikTok LIVE, kết hợp cùng định dạng nội dung video ngắn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận và tác động lên quyết định của người mua hàng.
Bên cạnh đó, TikTok cũng nhanh chóng trở thành công cụ khám phá ưa chuộng của người dùng. Nội dung trên nền tảng kích thích họ khám phá các thương hiệu và sản phẩm mới một cách tự nhiên. Một nửa người dùng TikTok thừa nhận họ đã khám phá sản phẩm hoặc thương hiệu mới khi đang sử dụng nền tảng, và 89% đã mua hàng ngoài kế hoạch sau khi xem video trên TikTok. Đây cũng là con số cao nhất trong tất cả các nền tảng mạng xã hội hiện có.
Ngoài ra, hashtag challenge #TikTokMadeMeBuyIt, nơi người dùng chia sẻ các sản phẩm họ khám phá sau khi xem video TikTok cũng nhận được 3,6 tỷ lượt xem.
Ng Chew Wee - Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh TikTok, khu vực Đông Nam Á - chia sẻ: "Năm nay, chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của Shoppertainment - một sự kết hợp giữa sáng tạo nội dung và thương mại điện tử. Với Shoppertainment, nhu cầu của người dùng không chỉ dừng lại ở việc mua hàng mà họ muốn được giải trí khi đi mua sắm. Thay vì người tiêu dùng chủ động tìm kiếm sản phẩm phù hợp nhu cầu như trước, giờ đây, các sản phẩm này sẽ tự tìm đến người tiêu dùng".