Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về số người dùng dịch vụ kỹ thuật số mới

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về số người dùng dịch vụ kỹ thuật số mới
Tạp chí Nhịp sống số - Với tỷ lệ 41% người dùng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số mới, Việt Nam đang thu hút các thương hiệu tìm cách xây dựng các chiến lược số tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng

Ogilvy hôm nay (12/7) công bố Báo cáo "Thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh với chiến lược D2C" (Direct-to-consumer, tạm dịch “Trực tiếp đến người tiêu dùng”), nêu bật nhu cầu của các thương hiệu về việc xây dựng các chiến lược số tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á. Báo cáo do Ogilvy hợp tác thực hiện với Verticurl - công ty chuyên về các giải pháp số của Ogilvycommercetools - công ty dẫn đầu về nền tảng thương mại và không gian phần mềm công nghệ.

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng ở Đông Nam Á sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số như: thanh toán không tiền mặt, đi chợ qua các ứng dụng điện thoại, mua sắm thương mại điện tử…

Theo Báo cáo Kinh Tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào năm 2020, cứ 3 người sẽ có 1 người dùng mới bởi tác động của dịch Covid-19 và 94% trong số đó cho biết có ý định tiếp tục những thói quen tiêu dùng này sau đại dịch. Đáng chú ý, Việt Nam dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về lượng người dùng dịch vụ kỹ thuật số mới với tỷ lệ 41% trên tổng số người sử dụng các dịch vụ tiêu dùng nói chung.

Trước đây, hoạt động mua hàng trực tuyến tại các nước trong khu vực thường không phổ biến bằng các thị trường lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, Covid-19 đã tác động và tạo thế cân bằng, cộng hưởng cùng sự phát triển của công nghệ và nền tảng mới, những kỳ vọng và nhu cầu mới của người tiêu dùng từ đó được mở ra.

Báo cáo cho thấy, các sàn thương mại điện tử lớn đang là động lực chính thúc đẩy sự thâm nhập của hoạt động thương mại trên các nền tảng số. Đồng thời, họ cũng dẫn đầu với những xu hướng tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến của khách hàng. Tuy nhiên, trong tương lai, việc phụ thuộc quá mức vào những sàn thương mại điện tử có thể gây ra những áp lực về tài chính và khiến thương hiệu dần mất quyền tự chủ, đặc biệt là trong việc quản lý dữ liệu khách hàng.

Bà Nguyễn Diệu Cầm, Tổng giám đốc T&A Ogilvy, kiêm Giám đốc Ogilvy Consulting chia sẻ: "Thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh với chiến lược D2C" là báo cáo đầu tiên trong chuỗi nghiên cứu của Ogilvy về chủ đề “Chuyển đối số ứng dụng tư duy sáng tạo và khả năng tổng hợp dữ liệu”. Tôi hy vọng đây là nguồn thông tin tham khảo giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược số phù hợp, chủ động và trực tiếp đưa thương hiệu cũng như kênh bán hàng số của mình bứt phá và chiếm lĩnh thị trường trong tương lai”.

Báo cáo mới nhất của Ogilvy và đối tác cho thấy, không chỉ củng cố năng lực thích ứng với những thay đổi trên thị trường, chiến lược D2C còn giúp thương hiệu tạo nên sự khác biệt thông qua những trải nghiệm độc đáo dành cho khách hàng. Bằng việc tận dụng sức mạnh dữ liệu để xác định thị hiếu, chiến lược D2C cũng sẽ tạo cơ hội cho các thương hiệu liên tục cập nhật, đổi mới và cá nhân hoá dịch vụ đến người dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Từ năm 2020, toàn khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong ngành thương mại kỹ thuật số cùng với sự lên ngôi của hàng loạt các dịch vụ mới. Tỷ lệ người sử dụng internet, thanh toán kỹ thuật số và niềm tin của người tiêu dùng vào hoạt động thương mại trên các nền tảng số đều tăng mạnh. Lĩnh vực kinh doanh trực tuyến của cả khu vực được dự đoán sẽ tăng gấp ba lần và chạm mốc 309 tỷ USD tổng khối lượng hàng hóa (gross merchandise value) vào năm 2025.

Theo Ông Waheed Bidiwale, Phó Giám đốc toàn cầu của Verticurl, xu hướng thương mại trên các nền tảng số sẽ tăng tốc, từ các sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống đến toàn bộ danh mục sản phẩm và dịch vụ.

Tỷ lệ người dùng dịch vụ kỹ thuật số mới trên tổng số người sử dụng các dịch vụ tiêu dùng nói chung cho các ngành hàng 

Báo cáo của Ogilvy cũng cho thấy, những lợi thế mà sàn thương mại điện tử đem lại cho doanh nghiệp không mang giá trị bền vững vì trong tương lai, các chi phí cho hoạt động mua quảng cáo hay dịch vụ tăng lưu lượng truy cập website sẽ sớm phát sinh. Nhiều sàn thương mại điện tử đã bắt đầu yêu cầu một phần phí nhất định trên mỗi giao dịch, và con số này có thể tăng tùy thuộc vào một số dịch vụ hay tính năng nhất định.

Tuy nhiên, với chiến lược D2C, khi các bên trung gian được loại bỏ và thương hiệu có được lợi thế về chi phí, khách hàng của họ sẽ có thể được tiết kiệm chi phí hơn trong mỗi giao dịch. D2C đồng thời mang lại cho thương hiệu những lợi thế lâu dài bằng cách tập trung cung cấp những sáng kiến lấy khách hàng làm trọng tâm, vài củng cố vấn đề bảo mật dữ liệu và tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.