Đại diện TikTok cho biết, từ những video chia sẻ công thức nấu ăn tại nhà đến chiến dịch “Lạc quan vượt dịch - Ở nhà vẫn vui”, TikTok đã trở thành nền tảng nơi hàng trăm triệu người dùng thể hiện sáng tạo và kết nối với cộng đồng. Hơn thế, TikTok còn là nơi người dùng trao đổi các kinh nghiệm và bài học cuộc sống, từ những đêm mất ngủ trong hành trình tập làm cha mẹ cho đến các mẹo giải tỏa căng thẳng, lo âu trong quá trình nuôi dạy con. Tại đây, mọi người đều có cơ hội để được an ủi khi gặp khó khăn và biết rằng mình không hề đơn độc trong mọi hành trình, thử thách.
Theo đó, với các vấn đề trong cuộc sống, TikTok không cho phép những nội dung quảng bá, hoặc tôn vinh các hoạt động tiêu cực như tự sát, tự làm hại bản thân hay chứng rối loạn ăn uống... Thay vào đó, TikTok khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm cá nhân về những vấn đề này theo cách thức lành mạnh nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đồng thời giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn và cần sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Trong tháng 10, TikTok chính thức giới thiệu các hướng dẫn mới nhất về sức khỏe tinh thần. Đồng thời, nền tảng cũng cung cấp các mẹo hữu ích được hợp tác phát triển với các chuyên gia bao gồm Hiệp hội Quốc tế về Phòng chống Tự sát, Crisis Text Line, Live For Tomorrow, Samaritans of Singapore và Samaritans (Anh).
Các hướng dẫn tại Trung tâm An toàn Hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ tinh thần của TikTok cũng cung cấp một số mẹo giúp nâng cao ý thức của người dùng khi tương tác với những người có thể đang gặp vấn đề về tâm lý.
Dựa trên lời khuyên của các chuyên gia, từ tháng 10/2021, TikTok sẽ hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung để thực hiện chuỗi video nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cộng đồng. Tại đây, các nhà sáng tạo nội dung sẽ chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, cung cấp thông tin về các địa chỉ hỗ trợ, cũng như khuyến khích người dùng chủ động chia sẻ với người thân về những vấn đề mình đang gặp phải... Những video này sẽ xuất hiện ngay trong kết quả khi người dùng tìm kiếm các cụm từ nhất định liên quan đến tự tử hoặc tự làm hại bản thân và họ có thể chủ động nhấn vào xem các video này nếu muốn.
Trước đó, từ đầu năm 2021, nền tảng này đã triển khai các tính năng mới để hỗ trợ người dùng đang mắc hoặc phục hồi sau Chứng rối loạn ăn uống. Tại Trung tâm An toàn, TikTok hiện đang tiếp tục mở rộng các tài nguyên, cung cấp hướng dẫn mới nhất về Chứng rối loạn ăn uống cho thanh thiếu niên, người bảo hộ và các nhà giáo dục. Với sự tham vấn của các chuyên gia bao gồm Hiệp hội Rối loạn Ăn uống (NEDA), Trung tâm Thông tin Hiệp hội Rối loạn Ăn uống (NEDIC), Tổ chức Butterfly và Bodywhys, hướng dẫn này sẽ cung cấp thông tin, hỗ trợ và tư vấn về Chứng rối loạn ăn uống.