Ngày 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị với Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ và kết nối đến 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì hội nghị; cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các hiệp hội ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp chủ chốt.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp “3 cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển. Điều này luôn luôn đúng khi triển khai với các doanh nghiệp, đối tác, người dân.
Thủ tướng cho biết, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương cũng giao ban hàng tháng với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tìm ra thị trường, thúc đẩy sự phát triển dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; khắc phục sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất do các yếu tố địa chính trị, khủng hoảng, xung đột trên thế giới gây ra.
Muốn vậy phải có sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước là các bộ, ngành như Ngoại giao, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ…
Hưởng ứng thông điệp “3 cùng” cũng như các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch VINASA – đã đề xuất một số ý kiến nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp Bán dẫn tại Việt Nam.
Theo đó, đại diện VINASA nhận định: “Việt Nam là “quốc gia được chọn” cho lĩnh vực này” vì đáp ứng những yếu tố trọng yếu một cách đúng thời điểm, đúng trọng tâm. Cụ thể, Việt Nam có khoảng 1.000.000 kỹ sư CNTT, 500.000 KS phần mềm và họ đang sẵn sàng chuyển đổi sang trí tuệ nhân tạo (AI), sang bán dẫn.
Trong khi đó, ngành Bán dẫn toàn cầu thiếu hụt khoảng 1 tỷ chuyên gia và kỹ thuật viên. Đây là cơ hội để Việt Nam cung ứng lao động toàn cầu cho ngành kỹ thuật cao chiến lược này.
Cùng đó, AI Chip là xu hướng mới mà các Tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Microsoft, Google, Facebook… đeo đuổi. Kết hợp AI và Chip là lợi thế hiếm có khác biệt của Việt Nam.
Từ những ý kiến này, VINASA đề xuất, Việt Nam cần có chiến lược “Ngoại giao tổng lực cho Bán dẫn”, bao gồm các giải pháp toàn diện như: Thu hút nguồn lực tiềm năng từ cộng đồng Việt kiều; Tiếp nhận và nhân rộng chương trình đào tạo chuyên sâu về Bán dẫn từ các trường chất lượng cao trên thế giới; Cử sinh viên Việt Nam theo học và thực tập tại các trường kể trên… Đồng thời, kết nối, xúc tiến các chương trình đào tạo và tiếp nhận chuyên gia, kỹ thuật viên Việt Nam tại các “nôi” đào tạo quốc tế về Bán dẫn(ví dụ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…)
Đặc biệt, Việt Nam cần đầu tư toàn trình cho công cuộc nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, lắp ráp, kiểm thử chip bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, tạo chính sách ưu đãi toàn diện cho FDI Bán dẫn cũng như đầu tư hạ tầng cần thiết như điện, nước… cho lĩnh vực bán dẫn
Được biết, Chính phủ đã lần đầu tiên ban hành Chương trình hành động về ngoại giao kinh tế để thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư. Công tác phối hợp triển khai ngoại giao kinh tế được tăng cường, đổi mới; tích cực tham mưu, thiết lập các cơ chế phối hợp liên ngành, như Ban Chỉ đạo quốc gia về bán dẫn, Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2023-2026 giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch hợp tác thu hút du lịch kiều bào giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Qua đó, ngoại giao kinh tế đã và đang có những đóng góp quan trọng trong duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước.