
Hội nghị đã mở ra cơ hội để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghệ thông tin.
Hội nghị Quốc tế Xuất khẩu Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam năm 2025 diễn ra trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2025”, được chia thành 2 phiên diễn ra trong hai ngày 27-28/05/2025, với các chủ đề lần lượt là “Kỷ nguyên Số và Biến động Toàn cầu: Đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á để tăng trưởng đột phá” và “Gặp gỡ các doanh nghiệp và cơ hội hợp tác kinh doanh”. Đây cũng là một hoạt động trong Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến Thương mại năm 2025 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.
Tham dự Hội nghị, có ông Stan Singh - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO), ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cùng gần 250 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có hơn 50 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia và nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Ấn Độ, Singapore, Ba Lan, Nga, Đài Loan – Trung Quốc,...

Tăng tốc chuyển đổi số trong kỷ nguyên biến động toàn cầu
Trong bài tham luận tại phiên “Kỷ nguyên Số và Biến động Toàn cầu: Cơ hội và Thách thức cho Việt Nam - Châu Á”, ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, đã nhấn mạnh cơ hội lịch sử để Việt Nam và Châu Á thay đổi cấu trúc phát triển kinh tế, chuyển từ kinh tế vật thể sang kinh tế số, từ kinh nghiệm sao chép sang đổi mới sáng tạo. Ông Thiên chỉ ra rằng kỷ nguyên số, khởi nguồn từ Cách mạng Công nghiệp 4.0, mang lại không gian phát triển vô tận nhờ tích hợp vật lý và số hóa, nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn như thiếu hụt vốn, hạ tầng và năng lực công nghệ.
Đối với Việt Nam, ông Thiên nhấn mạnh khát vọng lớn về tăng trưởng bền vững hai chữ số thông qua kinh tế số, xanh và sáng tạo, dựa trên tầm nhìn của Nghị quyết 57 và tư duy chiến lược “Bộ tứ Nghị quyết” về thể chế, hội nhập quốc tế và hiện đại hóa. Ông khẳng định rằng, dù đối mặt với những thách thức bất khả thi, Việt Nam cần hành động đột phá, tận dụng áp lực để tạo động lực, kết hợp nỗ lực phi thường và chiến lược thông minh để vươn lên, trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực Châu Á trong kỷ nguyên số đầy tiềm năng và biến động.
Đồng tình với quan điểm của ông Trần Đình Thiên về cơ hội lịch sử trong kỷ nguyên số và nhu cầu đột phá để làm chủ công nghệ, ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch VINASA đã nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số như một động lực cốt lõi để Việt Nam vươn tầm khu vực và toàn cầu. Ông Khoa khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, thông qua các chính sách như Nghị quyết 57, đã tạo nền tảng vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT phát triển, với những thành tựu đáng ghi nhận như thứ hạng 44/138 trên Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII 2024) và sự hiện diện của hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cung cấp dịch vụ số cho các thị trường hàng đầu thế giới, mang về hàng tỷ USD mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Quốc tế Xuất khẩu Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam năm 2025 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận các giải pháp cụ thể, đồng thời cập nhật các thông tin mới nhất về tiến trình chuyển đổi số tại các quốc gia Châu Á, học hỏi các kinh nghiệm tiên tiến và kết nối hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực này.
Ông Stan Singh - Chủ tịch ASOCIO - nhận định: “Việt Nam không chỉ là một thị trường tiềm năng mà còn đang vươn lên dẫn dắt cuộc cách mạng số ở khu vực Châu Á.” Ông đánh giá cao sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam vào hạ tầng số an toàn và bền vững, cùng với nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao và hệ sinh thái doanh nghiệp CNTT sôi động. Ông Singh cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang đóng vai trò chiến lược trong việc xây dựng một nền kinh tế số khu vực thông qua các công nghệ biến đổi như AI, blockchain, điện toán đám mây và 5G.
Cùng với đó, ông Singh kêu gọi tăng cường hợp tác xuyên biên giới giữa 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO, với trọng tâm là tạo giá trị kinh tế từ đổi mới số, nâng cao nhận thức và sẵn sàng chuyển đổi số, cũng như phát triển nguồn nhân lực số thông qua các chương trình trao đổi tài năng và đào tạo. Cuối cùng, ông khẳng định: “Việt Nam là đối tác quan trọng để cùng chúng tôi định hình số phận số của Châu Á.”
Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á và mở rộng cơ hội kinh doanh
Với tốc độ phát triển ấn tượng, doanh thu ngành công nghệ thông tin Việt Nam dự kiến đạt 169,3 tỷ USD trong năm 2025, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Trên nền tảng đó, Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia châu Á, để cùng kiến tạo một hệ sinh thái số năng động, đổi mới và bền vững.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Thanh Bình – Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế, VINASA – đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh ngành CNTT Việt Nam, từ những chính sách chiến lược như Chiến lược hạ tầng số, Sandbox công nghệ tài chính, đến xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cho thấy Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư – hợp tác công nghệ.
Cùng với đó, tọa đàm do ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA chủ trì, quy tụ các đại biểu quốc tế từ ASOCIO và KOSSA đã chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong, tập trung vào chiến lược hợp tác để khai thác tiềm năng AI, từ nâng cao hiệu quả sản xuất đến phát triển dịch vụ công thông minh. Tọa đàm nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác châu Á để đồng sáng tạo giải pháp AI.

Ngày thứ hai của sự kiện với chủ đề “Gặp gỡ các doanh nghiệp và cơ hội hợp tác kinh doanh” mang đến không gian đối thoại và kết nối trực tiếp. Tọa đàm do bà Nguyễn Thị Thu Giang điều phối đã thảo luận bài học thực tế từ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình “Go Global”, tầm quan trọng của Niềm tin số, cũng như kinh nghiệm từ các công ty quốc tế trong triển khai dự án công nghệ tại Việt Nam.
Trong đó, các diễn giả đã chia sẻ về bức tranh tổng quát tình hình chuyển đổi số tại các nền kinh tế, các thế mạnh, kinh nghiệm, case study thành công điển hình… Đặc biệt, các đại biểu đều chỉ ra cơ hội hợp tác trong ngành CNTT với các doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng, với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh cùng với sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, các chính sách ưu đãi về thuế và nơi mở văn phòng, cơ sở hạ tầng hiện đại.
Bên cạnh hội nghị, hội thảo, toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm, sự kiện năm nay còn bao gồm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác như: Chương trình giao thương, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, giải pháp, thăm và làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam.