
Lễ trao giải Violympic Quốc gia 2025 vừa diễn ra hôm nay (17/05) tại Hà Nội, quy tụ hơn 1.500 người tham dự, trong đó có đại biểu ngành giáo dục, phụ huynh, đội ngũ giáo viên và gần 600 học sinh xuất sắc đến từ khắp các tỉnh thành.
Theo đại diện Ban tổ chức, đây không chỉ là sự kiện tổng kết năm học 2024-2025 của sân chơi trí tuệ trực tuyến lớn nhất Việt Nam, mà còn khẳng định vai trò của giải thưởng Violympic trong việc góp phần chuyển đổi số giáo dục và bồi đắp thế hệ công dân số tương lai.
Hơn 4,5 triệu lượt thí sinh, gần 17.000 giải thưởng
Với hơn 4,5 triệu lượt thí sinh từ bậc Tiểu học đến THPT tham gia, Violympic năm học 2024–2025 tiếp tục khẳng định sức lan tỏa rộng khắp trên cả nước.
Lễ trao giải Violympic Quốc gia năm nay được tổ chức trang trọng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), là dịp tôn vinh nỗ lực học tập bền bỉ của các em học sinh, đồng thời tiếp thêm động lực để các em tiếp tục nuôi dưỡng đam mê chinh phục tri thức.

Theo đại diện Ban tổ chức, trải qua 9 vòng thi từ cấp trường đến cấp tỉnh/thành phố, gần 80.000 học sinh chính thức bước vào vòng chung kết cấp Quốc gia. Kết quả, 16.909 thí sinh xuất sắc giành giải, gồm: 1.318 giải Vàng, 1.983 giải Bạc, 3.334 giải Đồng và 9.946 giải Khuyến khích.
Trong đó, Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đạt giải cao nhất, với 3.014 học sinh đạt giải, chiếm 17.82% tổng số giải thưởng toàn quốc. Theo sau là Ninh Bình với 2.131 học sinh đạt giải (12,60%), Hải Phòng với 1.923 học sinh đạt giải (11,37%), Vĩnh Phúc với 1.410 học sinh đạt giải (8,34%), Thái Bình với 1.317 học sinh đạt giải (7,79%), và Hải Dương với 1.059 học sinh đạt giải (6,22%).
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh gần 600 học sinh xuất sắc nhất đại diện các khối lớp. Đặc biệt, Top 20 thí sinh dẫn đầu toàn quốc nhận được những phần thưởng giá trị như laptop, máy tính bảng, tai nghe, đồng hồ thông minh, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, Violympic năm nay tiếp tục ghi nhận học sinh từ khắp các tỉnh thành, thành phố trên cả nước, từ thủ đô Hà Nội đến các địa phương vùng sâu, vùng xa như Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, … Sự tham gia tích cực của học sinh từ cả thành thị lẫn vùng cao đã cho thấy tính công bằng, không khoảng cách về cơ hội giáo dục mà sân chơi trí tuệ trực tuyến mang lại.
Từ "chơi mà học" đến phát triển năng lực số
Ra đời từ năm 2008, Violympic được định hướng là sân chơi trí tuệ trực tuyến bổ ích dành cho học sinh phổ thông trên cả nước, nhằm lan tỏa tinh thần học tập chủ động và niềm yêu thích công nghệ tới hàng triệu học sinh.
Năm học 2024–2025 đánh dấu lần đầu tiên toàn bộ đề thi Violympic được xây dựng đồng bộ theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp. Nội dung đề được tổng hợp từ ba bộ sách giáo khoa hiện hành, đảm bảo tính công bằng, khách quan và tạo cơ hội tiếp cận kiến thức đồng đều cho mọi học sinh. Bên cạnh đó, thể lệ và hình thức thi cũng liên tục được cải tiến, nâng cao trải nghiệm học tập và thi trực tuyến cho các em học sinh.
Đặc biệt, Violympic tiếp tục ghi dấu ấn với những cải tiến mạnh mẽ trong công tác tổ chức và giám sát, khi ứng dụng công nghệ giám sát thi trực tuyến hiện đại trên nền tảng (activity tracking) nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác và công bằng trong đánh giá năng lực học sinh.
Trong bối cảnh giáo dục đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Violympic với thế mạnh kết hợp giữa giáo dục và ứng dụng công nghệ hiện đại đã giúp học sinh khám phá tri thức theo cách chủ động, linh hoạt và sáng tạo. Đây không chỉ là nơi để cọ xát, đánh giá năng lực học tập, mà còn là môi trường nuôi dưỡng những kỹ năng thiết yếu cho công dân trong thời đại số.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc – Giám đốc chương trình Violympic (FPT IS, thuộc tập đoàn FPT): “Với kinh nghiệm gần 20 năm đồng hành cùng hàng chục triệu học sinh cả nước, sân chơi Violympic đã trở thành biểu tượng của tinh thần hiếu học, khát khao chinh phục tri thức của học sinh Việt Nam. Đây không chỉ là nơi các em cọ xát kiến thức mà còn là bệ phóng năng lực số, giúp các em phát triển tư duy logic, khả năng tự học và năng lực giải quyết vấn đề – những kỹ năng cốt lõi của công dân thời đại số.”