Vừa qua, Phòng An toàn thông tin – Khối Công nghệ Ngân hàng ABBank trong quá trình rà soát định kỳ đã phát hiện một số đường link dẫn đến website giả mạo đang thực hiện tấn công phishing nhằm chiếm đoạt thông tin, tài khoản người dùng E-Banking của ABBank.Các website được tạo ra với giao diện khá tương đồng với website chính thống của ABBank nhằm yêu cầu khách hàng truy cập nhập username/password.
Nếu khách hàng không để ý kỹ và thực hiện truy cập, nhập username/password vào các trang phishing giả mạo do hacker/tổ chức lừa đạo tạo ra sẽ lập tức bị hacker lấy được thông tin tài khoản E-Banking, dẫn đến bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
ABBank cho biết đã phát hiện và nhận diện hơn 120 tên miền giả mạo ABBBank và nhiều chiến dịch tấn công mạng có chủ đích khác. Hiện trên Internet đang tồn tại một số đường link dẫn đến website giả mạo ABBank như:
https://giainganonline799.com/payment/index.php
https://bcdeas.com/sao-ke-giao-dich/ABBank/?token=ZmYxOWM2OTFjYjIyZGRmYjhlYzMwNDA2MTU4YTEwYzM=
http://xacnhanvay247.com
https://tindung-online.com/payment/index.php
https://xacnhankhoanvay.com/sao-ke-giao-dich/ABBank/?token=ZmYxOWM2OTFjYjIyZGRmYjhlYzMwNDA2MTU4YTEwYzM=
Nội dung của website giả mạo thường thể hiện các dịch vụ của ngân hàng như: sao kê tài khoản, cho vay tín dụng cá nhân, chuyển khoản, mở thấu chi, top-up thẻ tín dụng,…
ABBank cho rằng, giả mạo website ngân hàng là một hình thức tấn công mạng bằng việc cung cấp các đường link dẫn đến website giả mạo để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Phương thức tấn công mạng này đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ ngân hàng hiện đại, các hình thức gian lận đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và hình thức.
Ngoà ra, hiện nay, tình trạng các đối tượng xấu sử dụng tin nhắn giả mạo thương hiệu Ngân hàng đang tăng cao. Cách thức lừa đảo là: đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng, các tin nhắn giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu thật của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng.
Khi người dùng truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP…
Có được các thông tin trên, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của người dùng và thực hiện được các hành vi chiếm đoạt và sử dụng tài khoản như: chuyển khoản, mở thấu chi, top-up thẻ tín dụng, đăng ký vay online…
Ông Trần Việt Thắng – Thành viên Ban Điều hành phụ trách Khối Công nghệ Ngân hàng ABBank cho biết: “Tấn công mạng bằng hình thức phishing qua website giả mạo đã tồn tại từ rất lâu, gần đây số lượng tăng lên nhiều, đặc biệt là thông qua việc phát tán các link giả mạo qua email, tin nhắn mang đầu số Ngân hàng khiến khách hàng nhầm lẫn.
Để ứng phó, ABBank thực hiện việc chủ động rà soát định kỳ và liên tục ghi nhận, cập nhật từ các phản ánh của khách hàng, Cán bộ nhân viên, từ đó, thực hiện các biện pháp chặn qua kênh email, báo cáo về các trang web giả mạo, hay phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.
Về phía khách hàng, chúng tôi cũng khuyến cáo và mong khách hàng sẽ lưu ý, quan sát cẩn thận trước khi thực hiện các thao tác đăng nhập tài khoản trên online, tránh tạo cơ hội cho đối tượng xấu thực hiện chiếm đoạt thông tin, tài khoản của mình.”