Trong năm 2017, có khoảng 1,5 tỷ chiếc điện thoại thông minh được bán ra trên toàn cầu. Trong đó có hơn 1,3 tỷ chiếc dùng hệ điều hành Android
Hệ điều hành Android vẫn tiếp tục chiếm ưu thế với khoảng 86% thị phần, trong khi đó iOS là 14%. So với năm 2016, con số này có thay đổi chút ít. Android tăng thêm hơn 1% từ 84,8% lên 85,9%. iOS thì giảm đôi chút từ 14,4% xuống 14%.
Theo tính toán của Gartner, trong năm 2017, có khoảng 1,5 tỷ chiếc điện thoại thông minh được bán ra trên toàn cầu, trong đó có hơn 1,3 tỷ chiếc dùng hệ điều hành Android. Hơn 200 triệu chiếc smartphone dùng hệ điều hành iOS. Các hệ điều hành còn lại như BlackBerry OS, Windows Mobile chiếm khoảng 1,5 triệu chiếc.
Thị phần ít ỏi của BlackBerry OS, Windows Mobile vốn đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên khi Android và iOS chiếm tới 99,9% thì các chuyên gia đang lo ngại một ngày nào đó những hệ điều hành còn lại sẽ sớm biến mất trên thị trường.
Trong động thái mới nhất, BlackBerry thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ BlackBerry 10 thêm hai năm mới nữa tuy nhiên hãng cũng khuyên người dùng nên nâng cấp các mẫu điện thoại dùng hệ điều hành Android mà hãng đang cùng sản xuất kết hợp với TLC. Tất cả các di sản của BlackBerry sẽ kết thúc vào năm 2019.
Với Microsoft, vào tháng 10 năm ngoài, hãng này cho hay sẽ tiếp tục hỗ trợ Window 10 Mobile với các bản cập nhật và vá lỗi nhưng không phát triển thêm bất cứ tính năng nào mới.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, sự sụp đổ của BlackBerry đặc biệt đáng chú ý vì đây là tên tuổi là nhà tiên phong của ngành điện thoại thông minh. Các thiết bị của Blackberry vẫn rất phổ biến trong khoảng hai năm sau khi iPhone ra mắt vào tháng 6/2007. Ở thời điểm đó, Nokia là cái tên hàng đầu trong ngành điện thoại di động với thị phần cao nhất khoảng 20% trong năm 2009.
iPhone và Samsung Galaxy chỉ mất vài năm để phổ biến, qua đó đó đưa Android và iOS vượt qua BlackBerry và Nokia. Dựa trên những số liệu gần đây, sự độc quyền của hai nền tảng này ngày nay đang được bảo vệ vững chắc.