Apple chiếm 75% lợi nhuận toàn ngành thiết bị di động

Tạp chí Nhịp sống số - Theo thống kê của Counterpoint Research, Apple chiếm phần lớn lợi nhuận của thị trường thiết bị di động toàn cầu trong quý II.

Dù lượng smartphone các hãng bán ra trong quý II có biến động mạnh, doanh số và lợi nhuận của Apple vẫn bỏ xa những công ty khác. Dữ liệu từ Counterpoint Research cho thấy Táo khuyết chiếm 75% lợi nhuận và 40% doanh thu của ngành thiết bị di động toàn cầu trong quý II, dù chỉ chiếm 13% thị phần.

Theo Counterpoint Research, con số lợi nhuận cho thấy sức mạnh từ thương hiệu Apple. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn kỷ lục trong quý IV/2020. Ở giai đoạn này, Apple chiếm 50% doanh thu và 86% lợi nhuận toàn ngành.

Apple chiem hon 2/3 loi nhuan toan nganh thiet bi di dong anh 1

Biểu đồ lợi nhuận ngành thiết bị di động trong quý II. Ảnh: Counterpoint.

Sự thành công của thế hệ iPhone 12 với giá bán cao là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận của Apple tăng. Công ty cũng hưởng lợi từ hệ sinh thái thiết bị liên kết chặt chẽ với nhau, khiến người dùng mua nhiều sản phẩm Apple hơn.

Apple nhiều khả năng phải cắt giảm lượng iPhone 13 xuất xưởng trong năm nay. Theo Bloomberg, hãng dự kiến số lượng iPhone xuất xưởng vào cuối năm giảm 10 triệu máy vì tình trạng thiếu chip từ đối tác. Tuy nhiên, doanh thu quý IV của công ty được dự báo có thể đạt 120 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ.

Samsung tiếp tục là thương hiệu có lượng máy xuất xưởng lớn nhất nhưng bị Apple bỏ xa về doanh thu và lợi nhuận. Công ty Hàn Quốc đang đứng ở vị trí thứ hai với khoảng 13% lợi nhuận toàn ngành.

Bên cạnh đó, Xiaomi trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới ở quý II. Tuy nhiên, các thiết bị bán chạy của công ty chủ yếu ở phân khúc giá rẻ với tỷ suất lợi nhuận thấp.

Apple chiem hon 2/3 loi nhuan toan nganh thiet bi di dong anh 2

Xiaomi có sự tăng trưởng lớn về lượng smartphone xuất xưởng, nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Ảnh: Getty.

Từ năm 2019, giá trung bình của các mẫu smartphone Xiaomi đã cao hơn. Với chiếc Mi Mix Fold ra mắt mới đây, Xiaomi cũng bước chân vào phân khúc điện thoại gập cao cấp. Trong năm 2021, hãng đã trình làng các smartphone đắt tiền thuộc Mi 11 series. Tuy nhiên, Counterpoint Research cho rằng tỉ lệ lợi nhuận của công ty vẫn cần được cải thiện.

Khi nâng giá thiết bị để thu lợi nhiều hơn, những công ty Trung Quốc ra mắt thương hiệu con (sub-brand) nhằm phân cấp sản phẩm. Các ví dụ nổi tiếng là Redmi và Poco của Xiaomi, Realme của Oppo, IQOO của vivo.

Ngoài việc cố gắng tăng giá sản phẩm, những công ty này còn tìm cách mở rộng sang các thị trường mới, đặc biệt là châu Âu. Xiaomi trở thành thương hiệu smartphone số một tại khu vực này trong quý II. Oppo cũng ghi dấu ấn bằng việc tài trợ cho giải quần vợt Wimbledon.

Counterpoint Research cho rằng Xiaomi, Oppo và vivo cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiện tỷ suất lợi nhuận.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Thị trường đám mây châu Á - Thái Bình Dương được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất cho tới năm 2030 nhờ quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Tại thị trường Việt Nam, dự báo quy mô dịch vụ điện toán đám mây đạt hơn 1.200 triệu USD vào năm 2030.