Apple đang muốn đầu tư 100 triệu USD vào Japan Display

Apple đang muốn đầu tư 100 triệu USD vào Japan Display
Tạp chí Nhịp sống số - Theo tờ Asahi của Nhật Bản, Apple đang muốn đầu tư 100 triệu USD vào Japan Display khi nhà cung cấp này thực hiện tái cấu trúc.

Hơn 60% doanh thu của Japan Display hiện nay đến từ Apple. Mặt khác, thông qua khoản đầu tư này, Apple sẽ chuyển các đơn đặt hàng LCD từ Trung Quốc sang Nhật Bản.

Hiện, Apple và cả Japan Display đều chưa công khai thông tin về thương vụ này. Tuy nhiên, Apple được cho là sẵn sàng giúp nhà cung cấp màn mình Nhật Bản tái cấu trúc vì nhiều lý do.

Apple được cho là đã trả phần lớn chi phí 1,5 tỷ USD liên quan đến việc xây dựng một nhà máy LCD cho Japan Display vào năm 2015.

Với thoả thuận này, Apple sẽ được trả lại số tiền đó theo tỷ lệ phần trăm của mỗi màn hình được bán.

Tuy nhiên, một báo cáo hồi tháng 3 cho biết, Japan Display vẫn còn nợ Apple số tiền 1,5 tỷ USD. Về cơ bản, Apple đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Nhật Bản cho nhà máy LCD, nhưng nhà máy đó mới chỉ hoạt động với một nửa công suất.

Trước đó, một nhóm nhà đầu tư bao gồm công ty sản xuất màn hình phẳng Đài Loan TPK và quỹ đầu tư Harvest của Trung Quốc sẽ chi khoảng 80 tỷ yên (714 triệu USD) để mua lại cổ phiếu và trái phiếu của Japan Display. Ban đầu, thỏa thuận này sẽ giúp TPK và quỹ đầu tư Harvest sở hữu 49,8% cổ phần tại Japan Display và sẽ tăng lên 65,4% sau khi trái phiếu được chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu.

Sau thỏa thuận này, số cổ phần của INCJ tại Japan Display giảm từ mức 25,3% xuống còn 12,7%. Tuy nhiên, TPK đã quyết định từ bỏ đầu tư vào đầu tháng này. Còn Harvest Group sẽ công bố quyết định có đầu tư hay không vào hạn chót là hôm nay (thứ năm ngày 27/6).

Ngay khi thỏa thuận của nhóm TPK và Harvest được công bố, nhiều nhà quan sát đã tiên đoán thương vụ có thể sẽ thất bại nếu bị coi là ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ trong bối cảnh Washington đang siết chặt các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Như đã nói ở trên, hơn 60% doanh số của Japan Display trong năm 2018 đến từ Apple. Vì vậy, sự tham gia của công ty Trung Quốc trong thương vụ này có thể thu hút sự chú ý từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ. Ngoài ra, Japan Display có một công ty con về công nghệ cảm biến vân tay tại San Jose có thể gây lo ngại về bảo mật.

Japan Display được tạo ra bằng nguồn vốn của chính phủ Nhật Bản (thông qua quỹ đầu tư nhà nước INCJ ), trên cơ sở  hợp nhất bộ phận màn hình LCD của Sony, Toshiba và Hitachi vào năm 2012. Mục tiêu của Nhật Bản khi đó là chống lại các đối thủ Hàn Quốc và Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất màn hình tinh thể lỏng. Japan Display có trụ sở tại tỉnh Chiba.

Japan Display và Sharp từng thống trị về công nghệ màn hình trên thế giới. Tuy nhiên, đầu những năm 2000, Hàn Quốc và Đài Loan nhanh chóng giành quyền kiểm soát thị trường, thông qua những khoản đầu tư khổng lồ. Thị phần của Nhật Bản nhanh chóng giảm xuống chỉ còn 20%. Japan Display đã không thể cạnh tranh và thua lỗ liên tiếp kể từ năm 2015.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.