Bế giảng khoá đào tạo bồi dưỡng nhân tài CNTT do Hàn Quốc tài trợ

Tạp chí Nhịp sống số - Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài CNTT nhằm kết nối các tài năng trẻ về CNTT của Việt Nam với các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đã bế giảng ngày 2/12/2022.

Khóa đào tạo, bồi dưỡng nhân tài CNTT này là dự án được thực hiện nhân dịp kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, do Bộ Khoa học Công nghệ thông tin truyền thông Hàn Quốc (MSIT); Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp, Công nghệ Thông tin Hàn Quốc (NIPA) và các công ty Shinsegae I&C, FUTURENURI – trực tiếp điều hành và quản lý triển khai thực hiện. Đối tác đào tạo là Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Bồi dưỡng kiến thức truyền thông số (CRC) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông I (PTTC1) – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT).

Bế giảng khoá đào tạo bồi dưỡng nhân tài CNTT do Hàn Quốc tài trợ

Khóa học kéo dài 3 tháng, nhằm trang bị các kiến thức nâng cao trong lĩnh vực CNTT cho các học viên, đồng thời thực hành ngay trong các dự án thực tế. Đã có 40 học viên Việt Nam hoàn thành khóa bồi dưỡng nhân tài CNTT này với kết quả học tập khả quan. 

Thông qua khóa bồi dưỡng nhân tài CNTT này, bên cạnh việc nâng cao trình độ, các học viên còn có nhiều cơ hội thực tập tại các công ty Hàn Quốc, tiếp xúc với nền văn hóa Hàn Quốc.

Bế giảng khoá đào tạo bồi dưỡng nhân tài CNTT do Hàn Quốc tài trợ

Phát biểu tại lễ bế giảng, TS. Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam - cho biết, trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp của Hàn Quốc đã mang đến nhiều cơ hội cho thị trường lao động IT Việt Nam. Bên cạnh đó, với nỗ lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống cũng bước vào mô hình kinh doanh mới ứng dụng nhiều các giải pháp CNTT trong quá trình chuyển đổi. Điều này góp phần dẫn đến "Cầu" lớn về nhân lực IT, trong khi nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển của ngành.

Minh chứng cho điều này, báo thị trường nhân lực của TopDev năm 2022 cho thấy: Việt Nam được dự báo sẽ thiếu khoảng 150.000 nhân lực CNTT khi nhu cầu thị trường tăng lên đến 530.000 người. Trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực CNTT tại Việt Nam không ngừng tăng cao.

Trước đó, năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Đặc biệt sự thiếu hụt nhân lực IT là ở các khu công nghiệp xa trung tâm thành phố.

Đáng chú ý, hiện nay chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo lại. Trong bối cảnh đó, những khóa đào tạo nâng cao, bồi dưỡng nhân tài CNTT như này là vô cùng hữu ích và cần thiết. 

Ông Nguyễn Minh Hồng cho biết thêm: Hội Truyền thông số Việt Nam cũng đang có rất nhiều dự án đầu tư, triển khai thực hiện đào tạo cho sinh viên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các nguồn ngân sách của Chính phủ Việt Nam và nguồn xã hội hóa.

Đại diện lãnh đạo VDCA cũng bày tỏ lòng trân trọng đối với sự quan tâm, phối hợp và đầu tư từ phía NIPA, SHINSEGAE, FUTURENURI cho thị trường lao động IT tại Việt Nam, tạo cơ hội việc làm, góp phần giải quyết vấn đề định hướng nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam.

Phát biểu tại lễ bế giảng, ông Jeon Jun Soo – Giám đốc phát triển toàn cầu, Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp, Công nghệ Thông tin Hàn Quốc (NIPA) - chia sẻ: Trong 30 năm qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã có mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ và dự kiến sẽ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa 2 nước lên 100 tỷ đô la vào năm 2023. Để đạt được mục tiêu này, hai nước cần xây dựng mối quan hệ hợp tác vững chắc hơn trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số này bắt đầu từ những nhân tài CNTT.

Có thể bạn quan tâm