Vào cuối ngày hôm qua, giá Bitcoin nằm tại 6.276 USD/BTC, giảm 2,1% so với ngày trước đó. Trong ngày Bitcon có lúc rớt xuống mức thấp nhất tại 6.243 USD/BTC, đây cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 15/10. Trong sáng nay, giá đồng tiền mật mã lớn nhất thế giới này phục hồi nhẹ lên 6.340 USD/BTC.
Sự bứt phá mạnh sắp đến?
Trước đó trong phiên Mati Greenspan, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại eToro cho rằng khả năng sắp xảy ra một đợt biến động mạnh. Ông nói: “Vẫn có lý do để tin rằng sự bứt phá mà chúng tôi đang chờ đợi ngày càng đến gần hơn”.
Greenspan chia sẻ thêm: "Nhìn lướt qua dữ liệu của blockchain xác nhận rằng giao dịch Bitcoin gần đây đang trở nên nhiều hơn, với số lượng các giao dịch được thực hiện trên mỗi giây đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1 đến nay”.
Trong khi đó, theo ông Tom Jessop, chủ tịch của Fidelity Digital Asset Services (FDAS) – công ty con mới được thành lập 2 tuần trước thuộc tập đoàn đầu tư đa quốc gia Fidelity Investment nhằm cung cấp dịch vụ lưu ký tiền mật mã và hỗ trợ giao dịch cho các nhà đầu tư tổ chức, cũng thể hiện sự lạc quan rất lớn về tương lai tiền mật mã.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang bắt đầu thấy sự tăng tốc… Tôi không chắc thị trường tiền mật mã đang ở giai đoạn nào, nhưng tôi nghĩ rằng với một số thông báo gần đây, bao gồm thông báo của chúng tôi, sự ra mắt của Bakkt, sự đầu tư vào các quỹ của Harvard, Stanford và MIT vào lớp tài sản này, chúng ta sẽ cảm nhận được điều thú vị với sự chuyển mình này… Vì vậy chúng tôi có thể mong đợi nhiều tin tức hơn vào năm 2019 với chất lượng, tiêu chuẩn gia tăng và giúp thị trường tăng trưởng hơn.”
Chia sẻ thêm về sự ra đời của FDAS, ông cho biết: “Chúng tôi đã gặp một số khách hàng tự quản lý khối lượng lớn tiền mật mã và một số khách hàng không thể thực hiện các lệnh mua tài sản kỹ thuật số cho đến khi họ có quỹ lưu ký. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có nhu cầu đang khá cao lúc này.”
Sàn giao dịch tại Canada bị đánh cắp
MapleChange, một sàn giao dịch tiền mật mã có trụ sở tại Edmonton, Canada đã bị tấn công vào cuối ngày chủ nhật, dẫn đến mất phần lớn tiền mật mã trên sàn này. Công ty đã thông báo qua Twitter rằng họ đã "nỗ lực chống lại cuộc tấn công", tuy nhiên sau đó cho biết hầu hết các đồng tiền chính là không thể lấy lại được, do đó không thể đền tiền cho khách hàng.
Những báo cáo trước đó cho rằng công ty đã mất gần 1.000 Bitcoin đã bị phía công ty phủ nhận. Trong một Tweet phản hồi, công ty nói rõ như sau: “Những gì mà giới truyền thông đã nói về chúng tôi là chưa đúng, do đó chúng tôi muốn đưa ra quan điểm rõ ràng, nếu các bạn chọn tin hay không thì tùy. Chúng tôi chưa bao giờ giữ đến 919 BTC trong ví của mình, những hình ảnh cho thấy khối lượng khủng bị đánh cắp là do các hackers đã tạo dựng và thổi phồng lên”.
Một giờ trước khi MapleChange xóa trang Twitter của mình, sàn giao dịch nói rằng đã phát hiện một “lỗ hổng” cho phép “một vài người” rút tất cả tiền trên sàn. Điều này có thể khiến mọi người liên tưởng lại thời điểm mà Mt. Gox cũng tuyên bố các sự cố tương tự. Theo giới đầu tư, việc MapleChange bị hack lại có tất cả các dấu hiệu của một mánh Exit Scam - là thủ đoạn tạo sự tin tưởng và nhận tiền của nạn nhân rồi bỏ trốn hoặc không thực hiện các dịch vụ như đã giao kèo.
Trước tiên, việc sàn giao dịch xóa các trang truyền thông xã hội của mình là một điều bất thường. Ngoài ra, thời gian thông báo về “lỗ hổng” và sự tan biến của sàn giao dịch trên mạng xã hội cũng là một tín hiệu khẳng định chắc chắn hơn. Bản thân tên miền được đăng ký tại GoDaddy dưới nickname “Flavius P” cũng cho thấy sự nghi ngờ.
Thời gian xảy ra sự cố là một yếu tố quan trọng trong việc khẳng định rằng đây không phải là một vụ hack thông thường hay một lỗ hổng, đó chính là một vụ lừa đảo tinh vi và có tính toán từ trước. Số liệu thống kê lưu lượng truy cập gần đây của MapleChange.com tăng đột biến, có khả năng sàn này đang tích cực làm việc hơn trong tuần qua. Nếu thật sự là lừa đảo, có lẽ họ đã tự tạo ra đợt tấn công sớm vào sáng chủ nhật trong khi hầu hết các khách hàng đang say giấc.