Đề cập đến xu thế sử dụng robot trong bán lẻ, bài viết trên Retail Customer Experience (tác giả Gavin Donley — Giám đốc Tiếp thị, Brain Corp) cho rằng, đây sẽ là những "nhân viên" không thể thiếu của lĩnh vực này trong tương lai.
Theo Coherent Market Insights, thị trường robot bán lẻ dự kiến sẽ tăng từ 7 tỷ USD lên 55 tỷ USD vào năm 2028. Từ vai trò "nhân viên vệ sinh" cho đến quản lý hàng tồn kho và phân tích dữ liệu, robot đang trở nên không thể thiếu đối với các nhà bán lẻ nhằm nâng cao hiệu quả trong một thị trường ngày càng cạnh tranh...
Tuy nhiên, ngay cả khi những công ty lớn như Walmart, Amazon và Target bước đầu tích hợp robot vào hoạt động hàng ngày, nhiều nhà bán lẻ vẫn tỏ ra hoài nghi và e ngại khi nhắc tới xu thế sử dụng robot trong bán lẻ.
Khắc phục những vấn đề về kiểm soát hàng hóa theo thời gian thực
Theo các chuyên gia, một trong những động lực chính đằng sau việc sử dụng robot trong bán lẻ là tính hiệu quả và độ chính xác tuyệt vời mà chúng mang lại. Robot có thể được lập trình để thu thập và thực hiện phân tích dữ liệu theo thời gian thực, thực hiện các nhiệm vụ trong vài phút mà con người phải mất hàng tháng để hoàn thành... Những phân tích này đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý hàng tồn kho, giúp các kệ hàng luôn có sẵn hàng và đảm bảo khách hàng luôn tìm thấy những sản phẩm ưa thích.
Một khảo sát tại Mỹ cho thấy, việc các sản phẩm hết hàng khiến các nhà bán lẻ thiệt hại khoảng 453 tỷ USD hàng năm và làm xói mòn đáng kể lòng trung thành của khách hàng. Khảo sát gần đây do IPSOS thực hiện cũng cho thấy "gần 1/5 hộ gia đình có trẻ em đã thay đổi nơi mua hàng tạp hóa" do sản phẩm đã hết hàng.
Nhưng đó không phải là thủ phạm duy nhất gây ra tổn thất lợi nhuận. Các nhà bán lẻ cũng thiệt hại khoảng 362 tỷ USD mỗi năm do tồn kho quá nhiều. Theo McKinsey, vào năm 2022, "hàng tồn kho của nhà bán lẻ tăng 78 tỷ USD" khiến giá cổ phiếu của một số nhà bán lẻ giảm do lượng hàng tồn kho không thể tránh khỏi sẽ giảm do tồn kho quá nhiều.
Trong bối cảnh đó, thông tin mà robot "tuần tra" liên tục đưa về kết hợp với khâu phân tích dữ liệu có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc đảm bảo duy trì hàng tồn kho một cách hợp lý tại các điểm bán, giúp các nhà bán lẻ tránh bị lỗ lợi nhuận và sự không hài lòng của khách hàng.
"Thù hay bạn" - vấn đề ở góc tiếp cận
Tại các quốc gia phát triển, robot đã được chứng minh vai trò thiết thực và hiệu quả tại những nơi thiếu nhân công trầm trọng của các ngành công nghiệp. Giờ đây, nhiều người hiểu rằng, mục tiêu của các nhà quản lý không phải là thay thế con người bằng robot mà để chúng hoạt động như những trợ lý hỗ trợ.
Tương tự, đây là cách nhiều doanh nghiệp đang sử dụng robot trong bán lẻ - giảm bớt các khâu lặp đi lặp lại nhàm chán cho nhân viên, nâng cao sự an toàn và sự hài lòng chung trong công việc. Ví dụ như robot quản lý hàng tồn kho, lau sàn và vận chuyển kho... Theo dữ liệu của Brain Corp, năm 2023, robot đã đảm nhiệm gần 2 triệu giờ làm việc thay cho nhân viên bán lẻ, bao phủ một phạm vi rộng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, việc sử dụng tự động hóa một cách chiến lược cho phép con người tập trung vào các hoạt động hấp dẫn hơn - chẳng hạn như tương tác với khách hàng, nhờ đó cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy trải nghiệm tốt hơn cho nhân viên.
Tại các quốc gia tiên tiến, các nhà bán lẻ hiện đang đạt được thành công cao nhất với sử dụng robot trong bán lẻ tại những khâu không trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, hoặc ở "hậu trường" trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Ví dụ, nhà bán lẻ thời trang Zara đang sử dụng robot để tăng tốc hệ thống mua sắm đa kênh. Những khách hàng sử dụng tùy chọn "nhấp chuột và nhận hàng" có thể chỉ cần nhập mã bộ sưu tập tại điểm quy định trong cửa hàng và nhờ robot ứng dụng AI nhanh chóng lấy ra sản phẩm, giúp họ tiết kiệm thời gian chờ đợi. Và như vậy, các nhân viên có nhiều thời gian hơn để tương tác một cách có ý nghĩa với khách hàng, đảm bảo trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa và nâng cao sự hài lòng của họ.
Làm sao để sử dụng robot trong bán lẻ thành công?
Các chuyên gia về trải nghiệm khách hàng cho rằng, việc sử dụng robot trong bán lẻ phản ánh một xu hướng đổi mới đang định hình lại động lực của ngành.
Theo đó, các nhà bán lẻ lớn đang đầu tư hơn bao giờ hết vào tự động hóa cho các khâu của quy trình bán lẻ. Thay vì đe dọa công việc, robot đóng vai trò là trợ lý hỗ trợ, giải phóng nhân viên khỏi những nhiệm vụ đơn điệu để đầu tư tâm huyết vào các hoạt động hấp dẫn hơn, cuối cùng thúc đẩy một môi trường làm việc tích cực.
Có thể thấy, sử dụng robot trong bán lẻ không chỉ là một sự phát triển công nghệ mà còn là một mệnh lệnh chiến lược đối với các doanh nghiệp muốn phát triển mạnh trong bối cảnh bán lẻ ngày càng cạnh tranh.