Cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên thương mại điện tử

Cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên thương mại điện tử
Tạp chí Nhịp sống số - Chị Uyên (TP.HCM) gần đây chuyển hẳn sang mua váy áo, son từ nhà bán Trung Quốc trên trang Shopee. Theo chị, hàng thời trang từ Trung Quốc rẻ, đa dạng mẫu mã, phí vận chuyển lại rẻ.

“Chiếc đầm ở Trung Quốc bán trên dưới 100 ngàn, trong khi hàng Việt dao động 200-300 ngàn. Thỏi son bên đó thì chỉ vài chục ngàn. Tất cả rất đa dạng mẫu mã. Phí ship chỉ tầm 17 ngàn, nếu áp mã khuyến mãi chỉ còn 7 ngàn, có khi 2 ngàn. Trong khi ship từ Hà Nội vào Sài Gòn có khi mất 40 ngàn”, chị Uyên lý giải.

Rất nhiều người đang lên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki để mua hàng từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện điện thoại, đồ trang trí nội thất, văn phòng phẩm, đồ làm vườn,... với cực kỳ nhiều mẫu mã từ nhà bán nước ngoài luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu trong nước.

Đơn hàng vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam có phí chỉ 20 ngàn đồng. (Ảnh: Hải Đăng)

Cuộc đổ bộ toàn cầu của hàng Trung Quốc

Một nguồn từ Lazada Việt Nam nói với Vietnamnet cho biết có hàng chục ngàn nhà bán nước ngoài trên trang này, tuy nhiên không nói rõ chiếm bao nhiêu trên tổng số. Để hình dung, phía Sendo cho biết họ có khoảng 500 ngàn người bán trên toàn sàn.

Cả Lazada và Shopee đều có cổ phần lớn từ Alibaba và Tencent. Tiki cũng nhận đầu tư từ JD.com. Do đó việc hàng hoá từ Trung Quốc có mặt trên các trang này khá dễ hiểu. Thông qua Lazada và Shopee, hàng hoá Trung Quốc có mặt trên toàn Đông Nam Á.

Trên thực tế, Việt Nam nằm trong số những quốc gia làm quen với thương mại điện tử xuyên biên giới chậm hơn so với thế giới và một số nước trong khu vực.

Bà Quah Mei Lee (Frost & Sullivan) nhận định TMĐT xuyên biên giới tại Đông Nam Á có quy mô khá nhỏ, chỉ khoảng 10% toàn cầu vào năm 2025, tuy nhiên là một thị trường có tiềm năng khổng lồ. Trong đó, Việt Nam, cùng với Indonesia và Philippines nằm trong nhóm thị trường rất thách thức, còn Singapore, Thái Lan, Malaysia là các thị trường phát triển chính.

Ngay trên trang Amazon, thống kê của Marketplace Pulse cho thấy trong số các nhà bán có doanh thu hàng đầu, phía Trung Quốc đã vượt Mỹ. Cụ thể, vào tháng 1/2020, số gian hàng Trung Quốc chiếm 49% so với 47% của Mỹ. Trước đó hai năm, nhà bán từ lục địa chỉ chiếm 37% so với 58% của Mỹ. Thống kê này tập trung vào 10.000 nhà bán hàng đầu, có doanh thu từ 1 triệu USD trở lên trên Amazon.

Cũng thống kê này, trong top 100.000 nhà bán, Trung Quốc chiếm đến 58%, Mỹ chỉ đạt 36%. Tuy nhiên nếu thống kê trên 1 triệu nhà bán, thì phía Trung Quốc chỉ còn chiếm 37%, người bán của Mỹ chiếm 50%, còn lại là gian hàng từ các quốc gia khác.

Tỷ lệ nhà bán Trung Quốc trong nhóm 1.000 doanh nghiệp hàng đầu trên Alibaba tăng mạnh. (Nguồn: Marketplace Pulse)

Tại Ấn Độ, quốc gia có trào lưu tẩy chay hàng Trung Quốc, bộ Thương mại và Tài chính đã ra quyết định yêu cầu Amazon, Flipkart và nhiều nền tảng TMĐT khác gắn nguồn gốc xuất xứ cho hàng hoá bán trên các trang này. Kể từ 1/8/2020, các trang mua sắm online này đã bắt đầu từng bước thêm quốc gia xuất xứ cho hàng hoá.

Hàng “Made in China” phủ toàn thế giới, không riêng Việt Nam.  (Ảnh: Hải Đăng)

Thương mại điện tử xuyên biên giới là xu thế tất yếu

TMĐT trở thành đòn bẩy giúp hàng hoá Trung Quốc lưu chuyển toàn cầu. Ngược lại nhờ các nền tảng này, hàng hoá Việt Nam cũng có cơ hội mở rộng thị trường ra thế giới.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, TMĐT xuyên biên giới là xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu. Doanh nghiệp Việt cần nắm lấy cơ hội để khai thác quy mô hàng hoá xuất khẩu trị giá lên đến 200 tỷ USD.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia các nền tảng bán hàng toàn cầu đang tăng lên. Theo thống kê, hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia trên Alibaba và khoảng 200 doanh nghiệp tham gia trên Amazon. Trong đó, số lượng nhà bán hàng Việt Nam có doanh thu vượt 1 triệu USD trên Amazon đã tăng 3 lần trong năm 2020.

Nói với Vietnamnet, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - cho biết sau Covid-19, số lượng thanh toán trên TMĐT trong nước lẫn xuyên biên giới tăng nhiều lần so với trước. Người dùng tại Việt Nam bỏ tiền vào các dịch vụ của Google, Facebook, và mua hàng trên Amazon.

Quy mô TMĐT tại Việt Nam dự kiến đạt 29 tỷ USD năm 2025. (Nguồn: Google)

Tác động của dịch bệnh khiến TMĐT tại Việt Nam phát triển mạnh - 35%/năm, trong đó TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam nằm trong nhóm phát triển nhanh nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Dù vậy, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo rằng, bên cạnh những cơ hội do hội nhập mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế.

Về phía doanh nghiệp, bà Đặng Tuyết Dung cho rằng, khi tham gia kinh doanh toàn cầu, cần am hiểu cách vận hành của nền tảng mà doanh nghiệp tham gia, các phương thức thanh toán và hỗ trợ thanh toán quốc tế.

“Quan trọng nữa là uy tín. Doanh nghiệp dù kinh doanh trong nước hay quốc tế cần đảm bảo chất lượng hàng hoá và dịch vụ chất lượng cao để cạnh tranh”, bà Dung nói với Vietnamnet.

Doanh nghiệp Việt cần tận dụng thế mạnh riêng để cạnh tranh hàng ngoại. (Ảnh: Hải Đăng)

Đây cũng là hướng tiếp cận của nhiều doanh nghiệp khi gặp phải cạnh tranh với hàng hoá giá rẻ từ Trung Quốc. Chẳng hạn tại Mỹ, các doanh nghiệp được khuyên gia tăng chất lượng sản phẩm, gắn mác Made in USA như một thương hiệu, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hoá bằng chứng nhận từ các cơ quan uy tín của quốc gia này như USDA, EPA và CPSC.

Bên cạnh đó, một lợi điểm của hàng hoá nội địa là khả năng giao hàng nhanh. Trong khi đó hàng hoá xuyên biên giới thường mất từ một tuần trở lên để đến tay người dùng. Do đó, các doanh nghiệp nội địa được khuyên tăng tốc độ giao hàng, thậm chí giao trong ngày nhằm cạnh tranh với hàng nước ngoài.

Việt Nam được xem là một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển TMĐT xuyên biên giới nhờ lợi thế trong ngành sản xuất, nguồn cung ứng lao động dồi dào, với nhiều tài năng trẻ và cộng đồng mạng lớn.

Tuy vậy để phát triển được lĩnh vực này, TS. Vũ Duy Nguyên - Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính, đề xuất Bộ Công Thương nhân rộng mô hình hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong nước với các nền tảng TMĐT lớn trên thế giới như Alibaba, Amazon, Ebay thông qua các chương trình: Xuất khẩu thông qua TMĐT, phát triển thương hiệu Việt Nam trên sàn TMĐT, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam về TMĐT, gian hàng chung.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là trào lưu tất yếu. Nó mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam bán ra toàn cầu, nhưng kèm với đó là sự đổ bộ của hàng quốc tế vào thị trường nội địa. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt nhìn lại và thích ứng với môi trường kinh doanh mới.

Có thể bạn quan tâm