CEO Microsoft Việt Nam Nguyễn Quỳnh Trâm: “Copilot là công cụ giúp bất kỳ ai cũng có thể dùng AI”

Tạp chí Nhịp sống số - Bất chấp những lo lắng về việc trí tuệ nhân tạo (AI) có thể “cướp việc” của con người, thì xu thế sử dụng công nghệ này để tăng hiệu suất, thúc đấy sáng tạo ngày càng gia tăng…

Theo báo cáo “Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2024” của Microsoft, có đến 64% nhân viên trên thế giới đang phải vật lộn với áp lực theo kịp tốc độ và khối lượng công việc. Với sự gia tăng theo cấp số nhân của email và những cuộc họp, khoảng 70% nhân viên mong muốn AI sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng này để có thể tập trung hơn cho những công việc mang tính sáng tạo và chiến lược…

Chia sẻ những thông tin trên, bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam – nhận định: Làn sóng AI đã và đang tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách thức nhân loại làm việc và kết nối. Trong bối cảnh đó, Microsoft đã tích cực cải tiến công nghệ cho Copilot - trợ lý thông minh sử dụng công nghệ AI dành cho các ứng dụng văn phòng của Microsoft 365, qua đó không chỉ nâng cao hiệu suất công việc cho từng người dùng đơn lẻ mà còn có thể tăng cường sự cộng tác trong môi trường công việc.

CEO Microsoft Việt Nam Nguyễn Quỳnh Trâm nói về Copilot AI
Bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam:“Copilot là công cụ giúp bất kỳ ai cũng có thể dùng AI” 

Để tìm hiểu thêm về “trợ lý ảo” cho hàng chục nghìn nhân viên của hơn 60% trong số 500 công ty hàng đầu Fortune, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Quỳnh Trâm về chủ đề này!

Những công sở sáng tạo và khác biệt nhờ Copilot

Microsoft mới có đợt cải tiến lần thứ 2 cho Copilot trong các ứng dụng văn phòng Microsoft 365. Xin bà chia sẻ thêm về những điểm nổi bật mà các tính năng cập nhật này có thể mang lại cho người dùng!   

Kể từ khi ra mắt đầu năm ngoái, Copilot trong Microsoft 365, trợ lý thông minh sử dụng công nghệ AI dành cho các ứng dụng văn phòng của Microsoft 365 như Word, Excel, Outlook, Teams, và Onedrive, đã nâng cao kỹ năng, thúc đẩy sự sáng tạo, và tăng cường năng suất cho hàng trăm tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới. Theo khảo sát của chúng tôi, 77% người đã từng sử dụng Copilot trong Microsoft 365 cho biết không muốn quay trở lại thời điểm làm việc trước khi chưa có công cụ này.

Dựa trên những phản hồi tích cực của khách hàng, chúng tôi đã cho ra mắt những tính năng tiếp theo của Copilot trong Microsoft 365 như cộng tác đa chiều với Copilot Pages, tự tạo AI với Copilot Agents hay khả năng phân tích nâng cao của Copilot trong Excel với Python. Những tính năng mới lần này có mức độ phản hồi nhanh gấp 2 lần mức trung bình với khả năng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ hơn và tùy chỉnh cao hơn. Đặc biệt, chúng tôi đã kết hợp giữa web, công việc và pages trên Copilot thành một hệ thống thiết kế hoàn toàn mới, mang lại trải nghiệm liền mạch cho công việc.

Ví dụ, Copilot Pages có thể cho phép tôi cộng tác đồng thời với Copilot và đồng nghiệp trong một nhiệm vụ cụ thể. Trước tiên, tôi yêu cầu Copilot nghiên cứu thị trường và đưa ra phân tích từ những thông tin trên web, sau đó tôi mời các đồng nghiệp vào cùng chỉnh sửa trên một trang page mà Copilot đã tạo ra. Copilot sẽ thực hiện các yêu cầu sửa đổi của tôi và đồng nghiệp trên trang page đó.  Khi bản nghiên cứu thị trường đã hoàn chỉnh, tôi tiếp tục yêu cầu Copilot xây dựng bản đề xuất dưới dạng Powerpoint với những dữ liệu mà tôi cho phép Copilot lấy từ công ty. Trong bản đề xuất đó, tôi tiếp tục phân việc cho từng người phụ trách hoàn thiện từng phần. Họ cũng sẽ tương tác với Copilot để hoàn thiện phần nội dung đã được giao. Toàn bộ quá trình cộng tác giữa tôi, Copilot và đồng nghiệp đều được diễn ra đồng thời trên pages, giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian và công sức.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận vẫn đang “quan sát” xem AI thực sự sẽ mang lại những lợi ích gì cho tổ chức. Vậy theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng trang bị cho đội ngũ nhân viên những công cụ AI như Copilot trong Microsoft 365 hay chưa?

Theo báo cáo “Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2024” của Microsoft, 64% nhân viên trên thế giới đang phải vật lộn với áp lực theo kịp tốc độ và khối lượng công việc. Với sự gia tăng theo cấp số nhân của email và những cuộc họp, 70% nhân viên mong muốn AI sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng này để có thể tập trung hơn cho những công việc mang tính sáng tạo và chiến lược.

CEO Microsoft Việt Nam Nguyễn Quỳnh Trâm nói về Copilot AI
Copilot AI không chỉ nâng cao hiệu suất công việc cho từng người dùng đơn lẻ mà còn có thể tăng cường sự cộng tác trong môi trường công việc (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 70% người dùng AI tại Việt Nam đang sử dụng các công cụ AI cá nhân. Con số này cho thấy một thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam, bởi thực trạng này dẫn đến việc bỏ lỡ những lợi ích của việc áp dụng AI một cách chiến lược, đồng thời làm tăng nguy cơ về mất an toàn thông tin của dữ liệu của công ty. Do đó, doanh nghiệp nào sớm biết nắm bắt cơ hội để áp dụng AI trong các hoạt động kinh doanh và vận hành sẽ tạo ra sự khác biệt trên thị trường.

Lấy ví dụ De Heus - một tập đoàn nông nghiệp toàn cầu đặt trụ sở khu vực Châu Á tại Việt Nam, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi bền vững - đã triển khai Copilot trong Microsoft 365 để giúp nhân viên tận dụng và khai thác tốt nguồn dữ liệu phong phú trên toàn bộ hệ thống cho các công việc hằng ngày. Tích hợp liền mạch các ứng dụng văn phòng quen thuộc của Microsoft 365 như Word, Excel, PowerPoint, Outlook, Teams và nhiều ứng dụng khác, Copilot trong Microsoft 365 đóng vai trò như một trợ lý ảo trong công việc giúp nhân viên De Heus tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức.

Microsoft 365 Copilot đã giúp các nhân viên phòng mua hàng của De Heus so sánh và đề xuất các phương án dựa trên các thông tin của dự án, hợp đồng và các lịch sử giao dịch với khách hàng. Microsoft 365 Copilot giúp nhân viên phòng kế toán tài chính truy vấn dữ liệu một cách nhanh chóng, phân tích các số liệu từ nhiều nguồn khác nhau, hỗ trợ đáng kể quá trình đưa ra quyết định. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn thúc đẩy văn hóa đổi mới và hợp tác trong công ty, cho phép nhân viên De Heus tập trung vào các nhiệm vụ mang tính sáng tạo và chiến lược hơn, góp phần nâng cao hiệu suất và sự hài lòng của nhân viên.

Khai phá tiềm năng với AI đáng tin cậy

Khi AI càng phát triển thì mức độ bảo mật thông tin và dữ liệu cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Vậy, Microsoft đã có những chiến lược gì để các doanh nghiệp tin tưởng hơn vào AI, thưa bà?

Trả lời: Microsoft không chỉ nỗ lực phát triển các giải pháp AI, mà còn tiên phong trong việc đặt ra những nguyên tắc thúc đẩy AI đáng tin cậy gọi là “Trustworthy AI” nhằm đảm bảo tính bảo mật, an toàn và quyền riêng tư.

Bảo mật là ưu tiên hàng đầu tại Microsoft. Năm ngoái, chúng tôi đã triển khai sáng kiến Đảm bảo An toàn cho Tương lai (Secure Future Initiative - SFI) với những cam kết và trách nhiệm trong việc đảm bảo sự an toàn hơn nữa cho khách hàng được định hướng trên ba nguyên tắc: bảo mật từ thiết kế, bảo mật theo mặc định và bảo mật trong các hoạt động.

Vừa qua, chúng tôi cũng đã tiếp tục mở rộng sáng kiến này với 6 trụ cột chính là: Bảo vệ danh tính; Bảo vệ tổ chức; Bảo vệ mạng; Bảo vệ hệ thống kỹ thuật; Giám sát và phát hiện các mối đe dọa; và Tăng cường các biện pháp phản ứng và khắc phục. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đầu tư 34.000 kỹ sư làm việc cho sáng kiến này, khiến đây trở thành một nỗ lực vì an toàn an ninh mạng lớn nhất trong lịch sử.

Trước xu hướng sử dụng các công cụ AI cá nhân trong công việc, các doanh nghiệp cần phải trang bị cho tổ chức mình các giải pháp công nghệ có mức độ an toàn bảo mật cao cũng như xây dựng các chính sách nội bộ về AI, đào tạo và trang bị kiến thức sử dụng AI một cách an toàn và có trách nhiệm.

Chúng tôi mong muốn góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn cho tất cả mọi người, hướng tới mục tiêu xây dựng một tương lai nơi AI đóng vai trò hỗ trợ và phục vụ con người một cách tối ưu và mang đến những tác động tích cực cho xã hội.

Cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này! 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm