Chỉ riêng quý I/2016, đã có thêm 182 triệu thuê bao 4G LTE mới

Chỉ riêng quý I/2016, đã có thêm 182 triệu thuê bao 4G LTE mới
Tạp chí Nhịp sống số - Theo Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu GSA, trong quý đầu tiên của năm 2016, thị trường 4G LTE đã có thêm 182 triệu thuê bao mới, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn gấp gần 4 lần so với 3G HSPA.

4G LTE có 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày

Trung bình, các nhà khai thác mạng 4G LTE trên toàn  cầu đã phát triển được 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày.

Còn theo ước tính của GSA, số lượng thuê bao 4G LTE đã tăng gấp đôi trong một năm qua để đạt 1,29 tỷ vào thời điểm kết thúc quý 1/2016. Với con số này, 4G LTE tiếp tục được công nhận là chuẩn công nghệ di động có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất trong lịch sử phát triển của các công nghệ di động. Dự báo, thuê bao 4G LTE và LTE-Advanced sẽ vượt 3G vào năm 2020.

Xét theo khu vực, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục giữ vai trò thống trị thị trường 4G LTE toàn cầu tính theo số lượng thuê bao khi khu vực này hiện có 734 triệu thuê bao, chiếm thị phần 56,9%. Theo sau là khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc hiện là thị trường 4G LTE lớn nhất trên thế giới với trên 511 triệu thuê bao, trong đó có 96,3 triệu thuê bao phát triển mới trong quý 1/2016. Mỹ chiếm vị trí thứ hai với thị phần 19,6%. Trong khi đó, mặc dù mức thâm nhập 4G LTE đạt khá cao tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng trên thực tế số lượng thuê bao 4G LTE tại 2 quốc gia này còn khá thấp.

Một số thị trường 4G LTE phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản và Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) sẽ dẫn đầu về mức thâm nhập kết nối 4G LTE theo dân số với tỉ lệ lần lượt là 90%, 82% và 79%.

Theo dự báo, với lợi thế dân số đông, mặc dù triển khai 4G LTE chậm hơn nhưng Ấn Độ sẽ nhanh chóng có tên trong top 5, thậm chí là top 3 thị trường 4G LTE lớn nhất thế giới vào cuối năm nay hoặc chậm nhất là giữa năm sau. Thị trường smartphone 4G vẫn tiếp tục bùng nổ tại quốc gia này. Điều đáng ngạc nhiên là vốn được biết đến là một thị trường di động đang phát triển nhưng trong mấy quý liên tiếp vừa qua, doanh số bán ra smartphone hỗ trợ 4G tại quốc gia này tăng gấp 3 lần và thường chiếm tới 1/3 lượng smartphone bán ra tại Ấn Độ. Nguyên nhân được cho các nhà mạng di động nước này đang nỗ lực thu hút khách hàng thông qua chiến lược kết hợp việc bán thiết bị đi kèm với các gói dịch vụ 4G với các mức giá vô cùng hấp dẫn.

Với tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh như hiện nay, doanh thu từ 4G sẽ tăng 35% để đạt 426 tỷ USD ngay trong năm nay, chiếm 49% doanh thu của toàn ngành di động trong khi chỉ chiếm 25% kết nối di động. Theo ước tính, khoản doanh thu này sẽ bù đắp cho sự sụt giảm 21% trong doanh thu 2G và 19% trong doanh thu 3G.

Cũng theo thống kê của GSA, tính đến cuối tháng 5 vừa qua, thị trường viễn thông thế giới đã có 503 mạng 4G LTE thương mại tại 167 quốc gia. Để đạt được cột mốc này, công nghệ 4G LTE đã mất 77 tháng để phát triển và khẳng định vị thế trên thị trường, ít hơn gần 5 năm so với 3G WCDMA và ít hơn gần 6 tháng so với 3G HSPA. Theo dự báo, sẽ có ít nhất là 550 mạng 4G LTE thương mại trên toàn cầu vào cuối năm nay.

Trong tổng số 503 mạng 4G LTE thương mại thì đã có đến khoảng 25% (khoảng 125 nhà mạng) đã triển khai và thương mại hóa các hệ thống 4G LTE nâng cấp hay còn gọi là LTE-Advanced.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.