Ngày 28/6, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô, rơ mooc, sơmi rơ mooc được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm xuống bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2015/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.
Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước sẽ có hiệu lực từ 1/7 và kéo dài tới hết 31/12. Từ ngày 1/1/2024, mức thu lệ phí trược bạ sẽ trở về mức cũ.
Thị trường ô tô Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn khi sức mua giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước bất chấp nỗ lực kích cầu từ các hãng xe.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết Tháng 5/2023 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh số xe ô tô du lịch giảm tới 41%. Doanh số xe lắp ráp trong nước của các hãng sản xuất thuộc VAMA cũng giảm 43%. Doanh số của hai thương hiệu không thuộc VAMA là VinFast và Hyundai cũng nằm trong xu thế giảm. Do đó, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ được kỳ vọng có thể mang lại tín hiệu khởi sắc cho thị trường trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 cũng như giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể giảm bớt được gánh nặng để tiếp tục duy trì sản xuất.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện chính giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về mức thu lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu mức thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).
Ngoài ra, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách của các địa phương.