Chuyển đổi số ngành Ngân hàng là định hướng đã được cụ thể hóa qua nhiều chính sách và văn bản, trong đó đáng chú ý có Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Đầu năm 2022
Những thành tựu ban đầu từ nỗ lực chuyển đổi số ngành ngân hàng
Theo Vụ Thanh toán NHNN, ngành Ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong tiến trình này, những vấn đề được ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng là: Tự động hóa quy trình, bảo mật, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng...
Cùng đó, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu với tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Cùng đó, ngành Ngân hàng cũng đã tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử.
Theo Viện Chiến lược NHNN, chỉ riêng năm 2022 vừa qua, có gần 50% ngân hàng bỏ ra 3% chi phí đầu tư cho CNTT, khoảng 13% các ngân hàng đầu tư khoảng trên 13% chi phí đầu tư cho lĩnh vực này...
Đến nay, có 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số; nâng cấp hệ thống CNTT; cung cấp các sản phẩm số để hoàn thiện hệ sinh thái…
Cùng đó, các ngân hàng cũng áp dụng và liên tục cập nhật các công nghệ mới như: Điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), ứng dụng Blockchain, phân tích dữ liệu lớn... Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tăng cường sử dụng robot tự động hoá để gia tăng năng suất, hiệu quả làm việc trong nội bộ ngân hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, các ngân hàng đã triển khai rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mà 100% thao tác có thể được thực hiện trên kênh số như: Thanh toán, gửi tiết kiệm, cho vay… Việc thực hiện triển khai giao dịch trực tuyến đã đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm đại dịch COVID-19.
Công nghệ mới, thách thức mới
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận kể trên, công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng cũng đang gặp một số thách thức lớn đến từ công nghệ, mà điển hình là vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật; chống rủi ro, gian lận trong thanh toán điện tử. Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia và đại diện ngân hàng quan tâm đề cập tại Tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tổ chức cuối tháng 8 vừa qua.
Theo đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) - cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước luôn chỉ đạo đặt chỉ số an toàn lên trên hết, do đó các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại khi triển khai hệ thống đều ưu tiên đảm bảo an toàn một cách tối đa. Mặc dù vậy, vẫn xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Văn Anh Tuấn (Techcombank) nhận định: “Vấn đề lừa đảo không phải chỉ mới xuất hiện. Trước đây, khi chưa áp dụng công nghệ thì cũng đã xuất hiện hiện tượng lừa đảo. Vấn đề về lừa đảo sẽ luôn luôn tồn tại. Khi ngân hàng có hình thức mới, kẻ gian sẽ tìm cách để thực hiện hành vi gian lận”.
Ông Tuấ cũng cho biết, nhằm cảnh báo và ngăn chặn rủi ro cho ngân hàng và khách hàng, Techcombank đã liên tục truyền thông về các hình thức lừa đảo mới, đồng thời đưa ra các giải pháp công nghệ để phòng chống gian lận. Chẳng hạn, trước đây chỉ cần tài khoản và mật khẩu, tiếp đó có xác thực OTP, tiếp theo là chỉ giao dịch trên đúng 1 chiếc điện thoại và hiện tại tiến tới kết nối với cơ sở dữ liệu công dân quốc gia để xác minh chính xác người dùng.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - nhận định, có 4 nhóm khó khăn, thách thức chính đối với lĩnh vực thanh toán mà ngành Ngân hàng phải đối mặt.
Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, tội phạm gia tăng ở mức độ cao so với nhiều năm.
Thứ ba, thiếu tương thích giữa các hạ tầng. Có thể nói, hiện nay, ngân hàng sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an (ngoại trừ Đề án 06 đang bước đầu triển khai), nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng, không khai thác được.
Thứ tư, vấn đề con người. Tâm lý, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn còn lớn. Kỹ năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số của người dân còn nhiều hạn chế đã góp phần tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, gian lận. Kẻ gian thông qua sự thiếu hiểu biết, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng số chưa tốt của khách hàng để khai thác và qua đó thực hiện các hành vi gian lận.