Trong khuôn khổ Hội nghị Cisco CXO Symposium vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Cisco đã chính thức công bố khởi động Chương trình Tăng tốc Chuyển đổi số quốc gia (CDA) tại Việt Nam. Qua đó, tăng cường mối quan hệ hợp tác công tư giữa Cisco và các đối tác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tập trung vào đổi mới công nghệ và năng lực ứng phó an ninh mạng
Theo đại diện Cisco, Chương trình CDA tại Việt Nam đã được định hướng chiến lược và xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình CDA tại Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ và khả năng ứng phó đối với các vấn đề an ninh mạng thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông của quốc gia.
Tiến sĩ Guy Diedrich - Phó Chủ tịch Cấp cao và Giám đốc Đổi mới Toàn cầu tại Cisco - cho biết: "Chương trình CDA là cầu nối liên kết mục tiêu chuyển đổi số quốc gia với những lợi ích của xã hội số. Mô hình này dựa trên mức độ tin cậy cao và sự cam kết đồng hành giữa các đối tác trong hệ sinh thái thuộc các khu vực công và tư nhân... Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước để xây dựng các cộng đồng bền vững, an toàn và toàn diện thông qua việc cùng đầu tư vào đào tạo kỹ năng số và đổi mới sáng tạo".
Cụ thể, theo Cisco, Chương trình CDA tại Việt Nam sẽ triển khai một số sáng kiến quan trọng, tập trung vào ba trụ cột chính: Chuyển đổi số trong hạ tầng quốc gia, trong doanh nghiệp và trong khu vực công.
Theo đó, Cisco sẽ hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước để cùng phát triển 5G, đồng thời chia sẻ những kỹ năng cần thiết và các bài học thực tiễn tốt nhất về phát triển và đổi mới mạng lưới. Sự phát triển của mạng 5G sẽ tăng cường việc truyền dữ liệu, thúc đẩy năng suất kinh doanh và cải thiện kết nối cộng đồng.
Cùng đó, Cisco sẽ trang bị cho ngành dịch vụ tài chính và ngành sản xuất với công nghệ hàng đầu, đồng thời đầu tư vào việc đồng phát triển các giải pháp số tiên tiến nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn ngành. Điều này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ tài chính và sản xuất của Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Với khu vực công, Cisco sẽ hợp tác với các đơn vị công nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia cho Chính phủ Việt Nam. Các sáng kiến trong trụ cột này sẽ hỗ trợ việc thiết lập chính phủ số, cải thiện quản lý đô thị và thúc đẩy cộng đồng phát triển một cách toàn diện hơn.
Bồi dưỡng thế hệ tài năng số kế cận
Bên cạnh việc cung cấp các công nghệ mới và chia sẻ kiến thức chuyên môn, Cisco cũng sẽ nâng cao kỹ năng cho nhân tài địa phương thông qua Cisco Networking Academy, một trong những chương trình đào tạo CNTT từ kỹ năng đến việc làm lâu đời nhất thế giới, nhằm thúc đẩy nền kinh tế số toàn diện, bền vững và kiên cường tại Việt Nam.
Chương trình đã đào tạo hơn 90.000 sinh viên tại Việt Nam kể từ khi bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác với 30 cơ sở giáo dục đại học. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Cisco đã đào tạo một số lượng sinh viên kỷ lục lên tới 1 triệu sinh viên trong năm tài chính 2023. Đây là con số cao nhất trong lịch sử 26 năm qua của Cisco và Cisco đặt mục tiêu đào tạo thêm 6,7 triệu người trong khu vực vào năm 2032.
"Nền kinh tế Việt nam đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ và ổn định trong những năm gần đây với tương tác số và mô hình ưu tiên đám mây nhanh chóng trở thành chuẩn mực cho các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Cùng với Kế hoạch Chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ, đây là thời điểm chín muồi để mối quan hệ hợp tác công tư thúc đẩy mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số của đất nước. Tại Cisco, chúng tôi cam kết hợp tác với tất cả các bên liên quan tại Việt Nam để cùng thúc đẩy một kỷ nguyên tăng trưởng mới, giải quyết các rủi ro an ninh mạng và đem lại một tương lai hoà nhập cho tất cả mọi người", Jason Kalai - Quyền Tổng Giám đốc, Cisco Việt Nam, Campuchia, Lào - cho biết.