Cổ phiếu một loạt hãng công nghệ giảm mạnh sau tin chip gián điệp Trung Quốc

Cổ phiếu một loạt hãng công nghệ giảm mạnh sau tin chip gián điệp Trung Quốc
Tạp chí Nhịp sống số - Trong số này có các nhà cung ứng ở châu Á của Apple như LG Display, Taiwan Semiconductor; hãng sản xuất máy tính Trung Quốc Lenovo và tất nhiên là cả Super Micro Computer.

Theo CNBC, cổ phiếu Super Micro, công ty sản xuất linh kiện máy chủ nhỏ vừa bị Bloomberg nhắc đến trong bài điều tra về scandal vi mạch siêu nhỏ (microchip) gián điệp của Trung Quốc, giảm đến 41% trong ngày giao dịch 4/10 (giờ Mỹ).

Trước đó, Bloomberg Businessweek số mới nhất có bài điều tra về việc Trung Quốc thao túng bo mạch chủ do hãng Super Micro sản xuất cho máy chủ của nhiều doanh nghiệp Mỹ, đưa vào microchip nhỏ cỡ hạt gạo để lấy cắp thông tin. Vụ việc được Bloomberg cho là làm ảnh hưởng đến 30 công ty lớn, trong đó có Apple, Amazon. Cả ba hãng Amazon, Apple và Super Micro đều phủ nhận thông tin này.

Super Micro có vốn hóa thị trường chỉ hơn nửa tỉ USD. 4/10 là ngày giao dịch tệ nhất của hãng từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2007. Hoạt động giao dịch cổ phiếu Super Micro bị đình chỉ trên sàn Nasdaq hôm 23.8 sau khi công ty liên tiếp trễ hạn nộp hồ sơ lên Ủy ban Quản lý Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC). Cổ phiếu Super Micro hiện được giao dịch trên thị trường ngoài quầy (OTC).

Sáng nay 5/10 ở châu Á, cổ phiếu hãng sản xuất máy tính Trung Quốc Lenovo giảm 20%. Dù vậy, hãng Lenovo cho biết rằng Super Micro không phải là nhà cung ứng của mình, và khẳng định doanh nghiệp thực hiện nhiều bước đi mạnh mẽ để bảo vệ chuỗi cung ứng. Việc giá cổ phiếu Lenovo giảm có thể xuất phát từ đợt lao dốc cổ phiếu công nghệ Trung Quốc thay vì bài báo của Bloomberg.

Tuy nhiên, nhiều nhà cung ứng của Apple ở châu Á cũng lao dốc tương tự trong ngày giao dịch hôm nay. Cổ phiếu hãng sản xuất linh kiện điện tử TDK hạ 4,46% trong khi cổ phiếu của nhà cung ứng linh kiện Murata Manufacturing giảm 3,09% tại Nhật Bản.

Ở Hàn Quốc, LG Display hạ 2,63%. Đà giảm cũng lan đến thị trường Đài Loan, nơi hãng sản xuất chip lớn cho Apple là Taiwan Semiconductor giảm 1,97%, còn nhà sản xuất ống kính Largan Precision thì giảm 5,53%.

Nhà phân tích hàng hóa công nghệ và tiêu dùng Leo Sun tại The Motley Fool nhận định biến động giá cả cổ phiếu vì tin chip gián điệp Trung Quốc khó có khả năng tiếp diễn trong dài hạn. Một lý do quan trọng là vì Super Micro làm chip máy chủ, chứ không phải là nhà cung ứng của Apple. Ông Sun cũng nhấn mạnh rằng các nhà cung ứng hiện tại của Apple khó có thể tổn thương tức thời vì doanh nghiệp đã cắt đứt quan hệ làm ăn với Super Micro vào năm 2016.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.