Đà Nẵng chuẩn bị nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn

Tạp chí Nhịp sống số - Sở hữu tiềm năng để trở thành trung tâm công nghiệp vi mạch bán dẫn, TP. Đà Nẵng đang chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp tỷ đô này.

Đà Nẵng có nhiều cơ hội để tham gia vào phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam cũng như thế giới. Trong đó, nguồn nhân lực có chất lượng cao là yếu tố hết sức quan trọng.

5 lĩnh vực ưu tiên phát triển của Đà Nẵng

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển. Trong đó, một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số là công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng đã đóng góp 19,76% GRDP. Đến nay, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 toàn quốc, sau TP.HCM và gấp 3 lần trung bình toàn quốc. Về nguồn nhân lực, thành phố có 46.000 nhân lực công nghệ số, mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan đến điện tử, vi mạch tốt nghiệp.

Đà Nẵng chuẩn bị nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn
Trụ sở Ban Quản lý khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng

Về hạ tầng công nghiệp CNTT, Đà Nẵng hiện có 1 khu công nghệ cao; 6 khu công nghiệp và chế xuất; 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động, gồm Khu công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu phức hợp FPT, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn I. Thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng Khu công viên phần mềm số 2, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác. Tiếp tục mở rộng Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn II. Thu hút đầu tư Khu không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu CNTT Đà Nẵng Bay.

Với những lợi thế trên, Đà Nẵng bắt đầu tham gia vào cuộc đua góp mặt trong chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch toàn cầu. Đặc biệt là khi Việt Nam và Mỹ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số. Mỹ cam kết ủng hộ phát triển nhanh hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực tiềm năng này tại Đà Nẵng.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình cho rằng, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam cũng như thế giới. Trong đó, nguồn nhân lực có chất lượng cao là yếu tố hết sức quan trọng.

Theo ông Bình, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để triển khai các khóa học; thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc; xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến. Chính quyền thành phố có chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhà máy bán dẫn ở Đà Nẵng, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng…

"FPT sẵn sàng đồng hành với Đà Nẵng để nâng cao chất lượng nhân sự ngành bán dẫn bằng cách đưa nhân lực vi mạch bán dẫn của thành phố ra nước ngoài làm việc. Xúc tiến hợp tác, kêu gọi các đối tác của mình trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn về đầu tư tại Đà Nẵng, góp phần đưa nơi đây trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới", ông Bình khẳng định.

Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp vi điện tử và bán dẫn. Theo dự báo của chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này khoảng 20.000 người, 10 năm tới khoảng 50.000 người trình độ đại học trở lên. Vì thế, việc chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chạy đua phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Phát biểu tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ, Thành phố có nền tảng, điều kiện rất thuận lợi trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Nhận thấy tiềm năng lớn của công nghiệp vi mạch bán dẫn, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan khẩn trương triển khai xây dựng Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố, thành lập Tổ công tác và tư vấn liên ngành với sự tham gia của các sở, ngành và một số chuyên gia để tham mưu xây dựng đề án và các nội dung liên quan. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.

"Thành phố đã chủ động, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cả nội và ngoại trong lĩnh vực chip bán dẫn và các ngành công nghệ khác nói chung đến thành phố để hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, cả trong nghiên cứu thiết kế lẫn trong sản xuất, thương mại hóa sản phẩm", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

Kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2030 xác định, ưu tiên công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.

 

Nguồn: baodautu.vn

Có thể bạn quan tâm

Sáng ngày 13/4, Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 cho 169 đề cử xuất sắc từ 117 doanh nghiệp đã được tổ chức, trong đó có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp đầu hàng như VinBrain, FPT, BIDV, TPBank, OneMount…