Liên quan đến việc áp mã thuế nhập khẩu mặt hàng đầu thu truyền hình số bỗng dưng bị tăng từ 0% lên 35%, tại phiên họp thứ 11 Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, hiện nay, Bộ TT&TT đã giao cho Vụ Công nghệ thông tin đang xem xét việc sửa đổi, bổ sung nội dung Thông tư 15/2014/TT-BTTTT ngày 17/11/2014 Danh mục hàng hóa theo mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành, trong đó có nội dung về áp dụng mã HS cho đầu thu truyền hình số theo hướng ưu đãi thuế. Với mức thuế nhập khẩu là 0% để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu để thúc đẩy nhanh quá trình số hóa truyền hình mặt đất.
Trả lời báo chí về mức thuế nhập khẩu đầu thu bỗng bị tăng lên 35% có nguy cơ khiến người dân phải trả giá đắt để mua đầu thu truyền hình, khi mà chỉ còn và ngày nữa là tắt sóng truyền hình analog, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, mức thuế 35% không chỉ liên quan đến đầu thu truyền hình mặt đất, mà còn ảnh hưởng tới cả những doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền như truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh. Vừa qua việc áp thuế không thống nhất ở một số chi cục hải quan đã khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng và Bộ TT&TT đã có công văn trao đổi với Tổng cục Hải quan về vấn đề này.
“Bộ TT&TT đang sửa đổi mã HS đối với hàng hóa mặt hàng đầu thu do Bộ TT&TT quản lý, vấn đề thuế sẽ được giải quyết trong thời gian tới”, ông Yên nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn các Bộ liên quan như Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương phối hợp để có chỉ đạo chung, nhất là việc áp thuế nhập khẩu với các mặt hàng đầu thu theo hướng ưu đãi thuế để thúc đẩy nhanh tiến trình số hóa truyền hình mặt đất.
Sự việc này gây xáo trộn giới kinh doanh đầu thu truyền hình khi vào ngày 15/11/2015, Tổng Cục Hải quan đã có văn bản số 10364/TCHQ-TXNK đề nghị Bộ TTTT làm rõ các vấn đề liên quan tới đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 để xem xét áp dụng tính thuế nhập khẩu đối với các loại đầu thu này. Theo đó, việc thay đổi mã HS khiến cho nhiều loại đầu thu truyền hình có thể bị tính thuế từ 25-35%, thay vì 0% như đang được áp dụng nhiều năm nay.
Ngày 9/3/2016, Bộ TT&TT đã gửi công văn số 648/BTTTT-CNTT gửi Tổng Cục hải quan về việc phân loại mặt hàng set top box (STB), trong đó Bộ TT&TT đã có ý kiến đối với cấu tạo, chức năng của STB, phân loại STB. Trong đó, Bộ TT&TT đã đề nghị Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận loại trong hoạt động nhập khẩu cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mặt hàng STB, nhằm hỗ trợ đạt được mục tiêu của Đề án số hóa truyền hình.
Ở thời điểm hiện tại, khi mà thị trường đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 đang trở lên nóng hơn bao giờ hết vì chỉ còn vài ngày nữa là tại 4 thành phố lớn chính thức ngắt sóng truyền hình analog, nhu cầu mua sắm đầu thu số DVB-T2 trong dân được dự báo tăng lên đột biến.
Nhưng vào cuối tháng 7, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu đầu thu kỹ thuật số DVB-T2, đầu thu truyền hình cáp số (DVB-C), đầu thu truyền hình vệ tinh (DVB-S) đều đã nhận được quyết định hậu kiểm Hải quan và truy thu thuế ở mức 35%.
Mức thuế cao cho một mặt hàng được dùng phổ cập trong dân cư, phục vụ cho một Đề án lớn của Chính phủ được nhiều người đánh giá là “quá vô lý”. Việc truy thu thuế sau khi hàng đã bán hết khiến rất nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường thì nguy cơ phá sản là không thể tránh khỏi.
Việc áp thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng không chỉ ảnh hưởng tới các thị trường bán lẻ, doanh nghiệp cung cấp truyền hình, mà còn ảnh hưởng đến Dự án hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo mà nhà nước đang triển khai.
Mặt khác, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp lớn như SCTV và VTVcab trong thời gian dài đã dùng chiêu khuyến mãi tặng đầu thu cho khách hàng. Số lượng đầu thu truyền hình cáp mà các doanh nghiệp này đã tung ra thị trường trong suốt 3 năm qua lên đến hàng triệu bộ, số tiền bị truy thu thuế có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.