Để công nghệ 5G đi từ "tầm nhìn" vào cuộc sống

Để công nghệ 5G đi từ
Tạp chí Nhịp sống số - Công nghệ 5G đang là chủ đề nóng trên rất nhiều diễn đàn với những dự báo đầy lạc quan cho sự phát triển cả về kinh tế lẫn năng lực công nghệ. Để có một lộ trình phù hợp chuẩn bị cho 5G tại Việt Nam, các nhà quản lý và các chuyên gia đã có nhiều cuộc trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm hình dung những


Hội thảo Xu hướng công nghệ 5G và IoT hướng tới Cách mạng Công nghiệp 4.0

Là một cấu phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo các chuyên gia, 5G chính là nền tảng khai thác tối đa tiềm năng của Xã hội Nối mạng, mở ra những thị trường kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, tạo ra những nguồn doanh thu mới với những mô hình kinh doanh và hình thức sử dụng khác biệt, bao gồm cả các ứng dụng IoT.

Trong phần thảo luận chính của sự kiện cũng như bên lề các hoạt động chính, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cùng lãnh đạo Công ty Ericsson đã có cuộc trao đổi về những “kịch bản” cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ này tại Việt Nam.  

Hơn cả một làn sóng công nghệ… 

Được biết, Ericsson không chỉ tiên phong trong việc nghiên cứu công nghệ 5G mà còn có bề dày đầu tư – hợp tác tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về khả năng phát triển công nghệ 5G tại Việt Nam?

Ông Magnus Ewerbring, Giám đốc Công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ericsson: Tôi đã có một quá trình quan sát sự phát triển của công nghệ 5G không chỉ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cả trên thế giới và thấy rằng 5G có thể mang đến rất nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Không cần đi sâu vào phân tích công nghệ, chúng ta cũng có thể khẳng định chắc chắn là khi 5G được thương mại hóa và triển khai trên thị trường, người dùng Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Bởi vì với những đặc tính về tốc độ dữ liệu nhanh hơn, độ trễ thấp hơn, bảo mật mạnh mẽ hơn, độ tin cậy cao hơn …, ngoài việc mang lại trải nghiệm tốt hơn với các dịch vụ sẵn có, 5G sẽ giúp người dùng tận hưởng những dịch vụ mới với chất lượng cao.

Đáng nói hơn, có thể coi công nghệ 5G tiên tiến như một động lực, giúp kích thích năng lực sáng tạo của người Việt và giúp Việt Nam bắt kịp, vượt trội hơn so với các quốc gia khác.

Ông Dennis Brunetti, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam & Myanmar: Trong tương lai, việc áp dụng công nghệ 5G với quy mô lớn trên toàn quốc sẽ mang lại cho Việt Nam khả năng cung cấp các dịch vụ băng rộng di động tốc độ cao, độ trễ thấp, bao gồm cả việc truyền trực tiếp tín hiệu video 4K đến các thiết bị di động.

Từ đó, cho phép triển khai các dịch vụ tiên tiến dành cho người dân, từ việc tiếp cận các dịch vụ y tế được tăng cường và cải thiện trên toàn quốc, đến hệ thống giao thông thông minh, bao gồm xe ô tô tự lái, và những sáng tạo mới trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, năng lượng và an toàn xã hội.

Với vai trò là Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, ông đánh giá thế nào về nền tảng công nghệ này đối với thị trường Việt Nam?

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện: Sự tiên phong của công nghệ 5G không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc và tiếp cận thông tin ngay lập tức ở mọi nơi, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và ngành viễn thông. Nó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là ngành sản xuất và y tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mang đến nhiều cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Bên cạnh những lợi ích kể trên, việc triển khai, ứng dụng công nghệ 5G vào thực tế cuộc sống chắc chắn cũng sẽ gặp không ít khó khăn, rào cản. Ông nhận định thế nào về điều này?      

Ông Dennis Brunetti, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam & Myanmar: Có thể thấy, thách thức đầu tiên đối với 5G là sự đòi hỏi rất nhiều về tần số, tài nguyên tần số. Và Ericsson rất vui mừng được hợp tác với Cục Tần số vô tuyến điện Việt Nam, một đơn vị luôn luôn chủ động trong quản lý, phân bổ tài nguyên tần số cho các nhà mạng viễn thông.

Như chúng ta thấy, 5G là 1 công nghệ cung cấp thông lượng dữ liệu lên tới hàng Gigabyte cho người dùng cuối. Để đạt được tốc độ cao như vậy, Ericsson đã tập trung vào hoạt động nghiên cứu phát triển để đảm bảo đưa ra được những công nghệ mới nhất, có thể phục vụ sản xuất một cách đại trà để cung cấp ra thị trường. Đó chính là lý do vì sao Ericsson đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ 5G từ năm 2010. Và trong thời gian qua, chúng tôi đã tìm ra được những công nghệ tối ưu để triển khai 5G.

Tất nhiên, việc triển khai 5G sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng Ericsson là 1 đơn vị luôn tìm ra giải pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức đó cho các nhà mạng viễn thông.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện: Tại thị trường Việt Nam, tuy 4G mới chỉ bắt đầu nhưng với một số yêu cầu của xã hội hiện nay mà thuần túy 4G không đáp ứng được thì chúng ta sẽ phát triển trên nền tảng của công nghệ 5G, ví dụ như khả năng hỗ trợ IoT với mật độ kết nối lớn và độ trễ thấp hơn.

Việc giới thiệu sớm các ý tưởng công nghệ 5G cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp viễn thông, các nhà khoa học và đơn vị đào tạo là rất cần thiết để họ sớm hình dung và định hướng chính sách quản lý trong đó có quản lý tần số, sớm định hình mô hình phát triển ứng dụng và kinh doanh dịch vụ, để đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho việc triển khai 5G trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm