Việt Nam có vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới, với những điều kiện thuận lợi đặc thù, trong đó phải kể đến nguồn nhân lực tiềm năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), phân tích dữ liệu lớn...
VTIS 2024 là sự kiện công nghệ do SSI Digital tổ chức, với sự điều hành (host) từ hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ là Tập đoàn FPT và lĩnh chứng khoán - CTCP Chứng khoán SSI.
Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS2024).
Với 4 chủ đề chính gồm AI, Fintech, Blockchain và Game, VTIS 2024 chia sẻ về các xu hướng, sức mạnh và tiềm năng công nghệ tương lai.
Mở "cánh cổng" bước vào thị trường công nghệ mới nổi
Với tuyến sự kiện chính, VTIS 2024 chào đón sự xuất hiện của các lãnh đạo từ những doanh nghiệp hàng đầu như: Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI; Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT; Ông Don Lam - Chủ tịch VinaCapital… các đại diện đến từ những tổ chức lớn, dẫn đầu trong lĩnh vực trên thế giới như Binance, OKX, JP Morgan Chase, Qualcomm, Google, AWS và trong nước như SSI Digital, SSIAM, VinAI, Zalo…
Tập trung vào câu chuyện về công nghệ, đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để mở cánh cổng bước vào thị trường công nghệ mới nổi, các diễn gia đã trình bày tham luận và trao đổi về những "bài toán" cần phải giải để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đề ra.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI, trong xu thế phát triển của công nghệ nói chung và thị trường tài sản số nói riêng, Việt Nam đang vươn lên nhờ lực lượng trẻ và sự đam mê của người trẻ. Minh chứng cho điều này là số liệu từ nghiên cứu mới nhất của Forbes, cho thấy người Việt đứng thứ hai thế giới về sở hữu và quan tâm tài sản số. Còn theo thông tin từ 10 sàn giao dịch lớn nhất thế giới tham gia Hội nghị VTIS 2024, Việt Nam là thị trường có độ giao dịch đứng top 4 trên thế giới.
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng: Đây không chỉ là câu chuyện về công nghệ, về giải pháp và cách thức vận hành trong môi trường số, mà còn cho thấy một thực tế là "tài sản số" đã đi vào cuộc sống của từng gia đình ở Việt Nam. Song, nếu như tài sản hữu hình có thể quản lý được thông quan hải quan, biên giới để ngăn chặn ra nước ngoài, thì tài sản số không có biên giới, có thể mang sang bất cứ nước nào nếu Việt Nam không có cơ sở pháp lý để giữ gìn, phát triển và đảm bảo sự tồn tại trong nước.
"Để mở cánh cổng bước vào những thị trường công nghệ mới nổi, để các doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta không phải "đi vòng" sang những nước phát triển như Singapore, Mỹ... mở DN, cần có khung pháp lý minh bạch để công nhận, bảo hộ và chế tài với các hành vi của các bên tham gia vào lĩnh vực tài sản số", ông Hưng nhận định.
Đứng trên góc độ của một doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường này, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ để xây dựng khung pháp lý minh bạch là cần thiết để doanh nghiệp, doanh nhân thúc đẩy lĩnh vực tài sản số.
"Chúng ta cần khung pháp lý minh bạch để những người phát triển và những nhà đầu tư được bảo vệ, được minh bạch, không ai có thể lừa được ai, không ai có thể trục lợi qua các chiêu trò trên thị trường".
Với các tổ chức quốc tế, việc hoàn thiện khung pháp lý để phát triển thị trường tài sản số sẽ thúc đẩy những hợp tác, "họ sẽ thấy họ có thể đóng góp gì và có lợi gì".
Dựa trên những lập luận về sự cần thiết của hoàn thiện khuôn khổ pháp lý khi đặt trên bàn cân quyền lợi, lợi ích của các bên tham gia thị trường tài sản số, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm: "Chúng ta cần khơi dậy phong trào lòng yêu nước của một quốc gia dân số trẻ đam mê với công nghệ có thể đóng góp được cho đất nước. Muốn làm điều vậy, chúng ta phải có thị trường tài sản số. Vì tài sản sinh ra chỉ khi được công nhận, được quyền tự do định đoạt, mua bán trao đổi, khi đó mới cuốn hút được nguồn lực, được những người tham gia đóng góp".
Con đường "thích ứng để phát triển"
Cùng với những chia sẻ tâm huyết của Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - cũng mang đến phần phát biểu truyền cảm hứng tại VTIS2024.
Theo đó, ông Trương Gia Bình đặt ra ba vấn đề lớn, với những câu hỏi sâu sắc về thời cuộc và sự thích ứng của con người trong bối cảnh công nghệ phát triển vô cùng nhanh chóng và tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
"Thứ nhất, là bối cảnh thế giới và vận hội của đất nước. Thế giới của chúng ta đang bước vào giai đoạn lịch sử với nhiều biến đổi chưa từng thấy. Chưa bao giờ thế giới trở nên bất ổn, khó đoán đến thế. Một thế thế giới mới dần hiện lên..." - ông Trương Gia Bình nói - "Trong bối cảnh đó, chúng ta phải ứng xử với tương lai như thế nào? Người lao động có thể đối mặt với tương lai như thế nào khi 75% công việc mà chúng ta đang làm có thể biến mất vào 2030. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường lao động, thay đổi cách thức làm việc và yêu cầu kỹ năng của người lao động. Con người cần thích ứng với sự thay đổi này bằng cách học hỏi và cải tiến kỹ năng, làm chủ AI, công nghệ trong quá trình làm việc.
Làm thế nào để chúng ta có sức chống đỡ? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp tục kinh doanh và sống sót qua các bão tố địa chính trị?
Trong bối cảnh đó, rất may mắn cho Việt Nam. Đất nước ta có những cơ hội chưa từng có đến. Đó chính là vận hội. Vì điều đó mà Tổng bí thư trong bài viết vào ngày 2/9 vừa qua có đặt tên cuộc cách mạng mang tên: Chuyển đổi số. Phát biểu của Tổng bí thư để đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Việt Nam có cơ hội đứng ngang hàng các dân tộc tiên tiến thế giới vào 100 năm ngày độc lập của mình...".
Tiếp đến, vị diễn giả này đã chia sẻ cùng Hội trường VTIS2024 những quan điểm về Thế và Lực của Việt Nam trong bức tranh chung của thị trường công nghệ thế giới.
Theo ông, "cơ hội đã đến với đất nước, với tất cả chúng ta. Vấn đề lớn nhất là các bạn ở đây hôm nay có nắm lấy cơ hội hay không mà thôi".
"Không phải phải ngẫu nhiên CEO Nvidia - Jensen Huang chọn Việt Nam là "ngôi nhà thứ hai" của mình vào thời điểm này. Tôi tin rằng: Vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, nhiều công ty khác sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Ông dẫn chứng: Không nhiều nơi như Việt Nam, khi nhắc đến bất kỳ công nghệ mới nào đều có lực lượng kỹ sư phần mềm có thể học và tham gia. Các công nghệ này là AI, edutech, gaming... và nhiều thứ nữa, người Việt Nam đều có thể học được, làm được.
Vấn đề thứ ba được đề cập tiếp theo là Dữ liệu (Data), vì theo ông Bình, "mọi công nghệ đều phát triển quanh dữ liệu".
"Dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam và toàn thế giới. Dữ liệu là nguyên liệu quan trọng nhất của thế giới mới. Dữ liệu không tuân thủ bảo toàn khối lượng (không giống nguyên lý vật chất). Vậy làm thế nào để có đủ dữ liệu, để dữ liệu sạch, quyền sở hữu dữ liệu ra sao?... Chúng ta chưa xác định được. Cần phải suy nghĩ thấu đáo về chuyện này".
Kết thúc phần trình bày, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: "Tất cả dữ liệu các bạn có được, đều có thể biến thành tiền. Dữ liệu là dầu mỏ của tương lai. Ai biết khai thác, chế biến, sử dụng, người đó có thể chiếm lĩnh đỉnh cao mới".